Xuất khẩu và logistics 2025: Đã sẵn sàng thích ứng?

Hội thảo trực tuyến Xuất khẩu và Logistics Việt Nam hiện nay: Cơ hội, Thách thức và Giải pháp do Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA) tổ chức ngày 25/6/2025, đã phác họa bức tranh toàn cảnh nền kinh tế xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu biến động mạnh, đồng thời đề xuất các chiến lược ứng phó từ các chuyên gia hàng đầu trong ngành.
p1-3-1750988921.jpg
 
Thông qua cuộc Hội thảo HLA đã phác họa bức tranh toàn cảnh nền kinh tế xuất khẩu Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu biến động mạnh, đồng thời đề xuất các chiến lược ứng phó từ các chuyên gia hàng đầu trong ngành

Áp lực từ thương mại quốc tế và chiến lược ứng phó

Hội thảo mở đầu với phần trình bày của ông Nguyễn Hoài Chung, Phó ban Chính sách HLA, đã đề cập đến những tác động nghiêm trọng từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh mà còn gây sức ép lên dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tỷ giá hối đoái.

Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó, ông Chung đề xuất các chiến lược then chốt như đa dạng hóa thị trường, tăng cường liên kết chuỗi cung ứng và chủ động trong dự báo rủi ro. “Minh bạch hóa hoạt động thương mại là yếu tố sống còn trong bối cảnh hiện nay,” ông Chung nhấn mạnh.

Ngành gỗ và thủy sản trước yêu cầu bền vững

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch HAWA, cho rằng ngành chế biến gỗ cần nhanh chóng chuyển đổi từ xuất khẩu thô sang sản phẩm hoàn chỉnh có giá trị cao, đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng chặt chẽ từ vùng nguyên liệu đến nhà máy và logistics.

Trong khi đó, bà Trần Thụy Quế Phương từ VASEP cảnh báo sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ khiến ngành thủy sản dễ tổn thương trước các chính sách thuế quan mới. Tuy nhiên, nếu kết quả đàm phán sau ngày 9/7/2025 khả quan, ngành thủy sản Việt Nam vẫn có thể đạt mục tiêu 10 tỷ USD trong năm nay.

Thành công trong xuất khẩu thời đại mới đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt rõ ràng bối cảnh chính sách toàn cầu, kiểm soát tốt truy xuất nguồn gốc và đặc biệt là phải chủ động trong việc xây dựng giá trị gia tăng thay vì chỉ phụ thuộc vào gia công. Cạnh tranh giờ đây nằm ở tính bền vững và khả năng thích nghi.

Logistics – Chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh

a-loc.jpg
Ông Trương Tấn Lộc

Một điểm sáng trong hội thảo đến từ phần trình bày của ông Trương Tấn Lộc, Ủy viên Ban Chấp hành HLA, Trưởng ban Nghiên cứu - Đào tạo HLA; Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG). Ông cho rằng: “Những thay đổi của chuỗi logistics trong 6 tháng đầu năm 2025 tương đương với biến động của cả 10 năm trước đó”.

Phần trình bày của ông Lộc đã cho thấy rõ tình trạng mất cân đối của chuỗi logistics khi năng lực xử lý hàng hóa tại các cảng không theo kịp năng lực vận tải của đội tàu trên thế giới và trong nước trong nửa năm 2025 vừa qua. Để ứng phó trước vấn đề đó, TCSG đã triển khai loạt giải pháp linh hoạt: từ đầu tư mở rộng kết nối, phát triển hạ tầng logistics tại các khu vực chiến lược, đến hợp tác với các cảng trọng điểm như Phước An, VICT… Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc thay đổi tập quán giao nhận, vốn đã lỗi thời, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng hiệu quả hơn cho doanh nghiệp.

p1-1.jpg
Hội thảo không chỉ là nơi tổng kết tình hình, mà còn là diễn đàn thúc đẩy đổi mới tư duy trong xuất khẩu và logistics

Trong bối cảnh chuỗi logistics toàn cầu liên tục chịu áp lực, việc giữ nguyên tập quán giao nhận cũ không còn phù hợp. Sự linh hoạt trong tiếp cận thị trường, tích hợp đa phương thức vận tải và phát triển mạng lưới hạ tầng là những yếu tố bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tối ưu hiệu quả chuỗi cung ứng và giữ vững năng lực cạnh tranh.

Thay đổi để thích nghi, hướng đi không thể đảo ngược

Hội thảo không chỉ là nơi tổng kết tình hình, mà còn là diễn đàn thúc đẩy đổi mới tư duy trong xuất khẩu và logistics. Từ gỗ đến thủy sản, từ doanh nghiệp nhỏ đến tập đoàn lớn, tất cả đều phải thích nghi với những biến động chưa từng có.

Ông Trương Tấn Lộc nhận định: “Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp cần từ bỏ thói quen cũ, xây dựng những cách làm mới phù hợp với thời cuộc”. Những hành động quyết liệt và linh hoạt trong nửa đầu năm 2025 của ngành logistics đã chứng minh rằng, nếu biết thay đổi kịp thời, Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển nguy thành cơ, khẳng định vị thế trên thị trường xuất khẩu toàn cầu.