Chung sức, đồng lòng kiến tạo Hưng Yên phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới

VNHN Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, là một dấu mốc mang tính lịch sử, thể hiện bước tiến quan trọng trong tiến trình hiện thực hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đây không chỉ là một sự kiện mang tính hành chính - tổ chức, mà còn là quyết định chiến lược, góp phần cụ thể hóa tư duy cải cách toàn diện, đồng bộ trong tổ chức bộ máy nhà nước, theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Một góc Hưng Yên - Trung tâm hành chính tỉnh sau hợp nhất. Ảnh: TL

Việc sáp nhập hai địa phương có quy mô, đặc điểm và tiềm năng phát triển tương đồng là sự lựa chọn mang tính tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Mục tiêu không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước và chất lượng phục vụ Nhân dân, mà còn để hình thành nên một đơn vị hành chính mới có tầm vóc, quy mô và năng lực cạnh tranh vượt trội, đủ sức đảm đương vai trò động lực tăng trưởng quan trọng trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Toàn cảnh Khu nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Tỉnh Hưng Yên sau khi hợp nhất sẽ có diện tích trên 2.500km², dân số hơn 3,5 triệu người, được thừa hưởng lợi thế tổng hợp từ hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực, vị trí địa lý, cùng bề dày văn hóa - lịch sử và truyền thống cách mạng từ cả hai địa phương. Nằm trong tam giác kinh tế chiến lược Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hưng Yên mới sở hữu hệ thống giao thông liên kết vùng thuận tiện, gần các khu công nghiệp, cảng biển, sân bay và trung tâm hành chính quốc gia, mở ra triển vọng trở thành đầu mối logistics, trung tâm sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại trong tương lai.

Trung tâm Thái Bình về đêm. Ảnh: TL

Sự hợp nhất này tạo ra dư địa lớn để quy hoạch lại không gian phát triển một cách tổng thể, khoa học; thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu, lấy công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp sạch làm trụ cột. Đồng thời, đây cũng là cơ hội vàng để đẩy nhanh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyển đổi số mạnh mẽ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: TL

Biển Đồng Châu Thái Bình. Ảnh: TL

Tại Kỳ họp thứ 29 của Hội đồng nhân dân tỉnh - kỳ họp đầu tiên sau hợp nhất, bộ máy chính quyền tỉnh đã được thiết lập và bước đầu vận hành theo cơ chế thống nhất, chuyên nghiệp. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là chuẩn bị chu đáo, toàn diện cho công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là tiền đề để xây dựng đội ngũ đại biểu có phẩm chất, năng lực và trách nhiệm cao, làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân.

Vinhomes Ocean Park Hưng Yên. Ảnh: TL

Thành công của tiến trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phụ thuộc vào tinh thần đoàn kết, đồng thuận và quyết tâm hành động của toàn hệ thống chính trị cũng như sự đồng hành, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân. Với sự lãnh đạo sâu sát của Đảng, sự chỉ đạo kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, cùng với ý chí vươn lên mạnh mẽ, niềm tin và kỳ vọng của người dân, Hưng Yên sẽ vững vàng bước vào giai đoạn phát triển mới - giai đoạn hội nhập sâu rộng, phát triển toàn diện và bền vững.

Di tích Quốc gia Chùa Keo Thái Bình. Ảnh: TL

Trong tương lai gần, Hưng Yên không chỉ là một cực tăng trưởng mới của vùng đồng bằng sông Hồng, mà còn là hình mẫu về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, về năng lực điều hành hiện đại và về hiệu quả thực hiện các mục tiêu phát triển vì con người. Hơn hết, sự kiện hợp nhất này chính là minh chứng sống động cho tinh thần đổi mới tư duy, hành động kịp thời và dám nghĩ dám làm vì sự phát triển chung của đất nước.

Nguyễn Hữu Nghĩa

Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên