Thừa Thiên Huế: Khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thừa Thiên Huế: Khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

17:55 - 10/08/2021

Ngày 09/8, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học-công nghệ giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIV) về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học - công nghệ của cả nước giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đầu tư cho Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tăng dần qua các năm. Tỷ phần đóng góp của chỉ tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng dần qua các giai đoạn. Hạ tầng và các thiết chế KH&CN của tỉnh được quan tâm đầu tư và ngày càng hoàn chỉnh. Nguồn nhân lực KH&CN phát triển về số lượng và chất lượng. Nhiều công trình, đề tài nghiên cứu KH&CN được triển khai, ứng dụng rộng rãi, có giá trị trong thực tiễn sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả cao.

Tại Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI đã thông qua Tờ trình về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH&CN của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Các chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển KH&CN từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Hệ thống tổ chức, quản lý hoạt động KH&CN không ngừng được củng cố, kiện toàn. Hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế về KH&CN được mở rộng và tăng cường. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong xây dựng dịch vụ đô thị thông minh, chính quyền điện tử và nâng cao chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT của tỉnh đặc biệt được chú trọng…

Tuy nhiên, hoạt động KH&CN chưa đáp ứng được yêu cầu là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội. Năng lực hấp thụ, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống chưa mạnh. Việc đầu tư cho KH&CN còn hạn chế. Tỷ lệ ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống còn thấp. Sự gắn kết giữa KH&CN với các chương trình, dự án kinh tế - xã hội chưa cao. Thị trường KH&CN quy mô nhỏ, thiếu đa dạng. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chưa có sự bứt phá trong đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều lĩnh vực vẫn thiếu chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các nhiệm vụ KH&CN thiếu đồng bộ.

Ông Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ Tư (mở rộng) vào ngày 14/7/2021.

Đến nay, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIV) về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học - công nghệ của cả nước giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, đồng chí Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thay mặt Tỉnh ủy đã ký ban hành Nghị quyết mới với mục tiêu tổng quát là phát triển mạnh mẽ KH&CN và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đưa KH&CN thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN gắn với trung tâm giáo dục - đào tạo và y tế chuyên sâu.

Hội thảo “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những Trung tâm KH&CN của cả nước” được tổ chức tại Hội trường Sở KH&CN Thừa Thiên Huế vào tháng 3/2021.

Theo đó, Nghị quyết đã đặt ra 05 mục tiêu cụ thể: 1. Hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số. Phát triển mạnh mẽ, đồng bộ khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, CNTT và chuyển đổi số; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, trong đó tập trung phát triển các lĩnh vực, công nghệ ưu tiên, có khả năng ứng dụng cao. 2. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trên các lĩnh vực ưu tiên. 3. Phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển thị trường KH&CN, thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tăng nhanh số lượng các công trình được công bố quốc tế và số lượng các sáng chế được bảo hộ trong nước và nước ngoài. 4. Tập trung xây dựng và nâng cao năng lực các thiết chế KH&CN; xây dựng và vận hành có hiệu quả các hệ sinh thái thông minh. Hỗ trợ xây dựng Đại học Huế trở thành trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ; Viện Công nghệ sinh học trở thành Trung tâm công nghệ sinh học quốc gia tại miền Trung; hình thành và từng bước hoàn thiện Khu Công nghệ cao; đầu tư xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung. 5. Phát triển KH&CN theo cơ chế thị trường, hướng trọng tâm vào doanh nghiệp. Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm chủ thể của hoạt động ứng dụng KH&CN.     

Những tiêu bản động vật quý hiếm được trưng bài tại Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung. Ảnh: NT.

Bên cạnh đó, Nghị quyết đã đặt ra 6 chỉ tiêu cụ thể: 1. Trình độ, năng lực công nghệ trên mức trung bình chung của cả nước, nâng chỉ số đóng góp của chỉ tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 50% vào năm 2025 và trên 50% vào năm 2030. 2. Bảo đảm mức đầu tư cho hoạt động KH&CN đạt 1,5% tổng chi ngân sách địa phương vào năm 2025 và đạt từ 2% trở lên vào năm 2030. 3. Có 10 doanh nghiệp KH&CN, 50 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ vào năm 2025; có trên 20 doanh nghiệp KH&CN vào năm 2030. 4. Đến năm 2025, có 30% kết quả của các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng KH&CN được thương mại hóa sản phẩm; từ 50 - 80% sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đến năm 2030, có 50% kết quả của các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng KH&CN được thương mại hóa sản phẩm và trên 80% sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. 5. Số bài báo KH&CN được đăng trên tạp chí quốc gia, quốc tế đến năm 2025 tăng 1,5 lần và năm 2030 là 2 lần, so với năm 2020. 6. Đến năm 2025, có từ 10 - 15 đặc sản, sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh phát triển theo chuỗi giá trị; 10 - 15 công nghệ/sản phẩm/sáng chế được chuyển giao và có nguồn thu. Đến năm 2030, có trên 20 sáng chế giải pháp hữu ích được đăng ký bảo hộ và từ 15 - 20 công nghệ/sản phẩm/sáng chế được chuyển giao và có nguồn thu; có trên 20 sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ và có ít nhất 2 sản phẩm mang tầm thương hiệu quốc gia và quốc tế.

Buổi gặp mặt giữa Chủ tịch UBND tỉnh với các nhà khoa học nữ với chủ đề “Phụ nữ với nghiên cứu khoa học và phát triển tài sản trí tuệ” vào năm 2018 đã diễn ra với sự tham dự của nhiều nhà khoa học nữ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi lễ.

Để đạt được các mục tiêu hướng tới, Nghị quyết cũng chỉ rõ các nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện, cụ thể:

1. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KH&CN. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, chính sách ứng dụng, phát triển KH&CN; hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới, phát triển, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN đối với các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của tỉnh; thành lập hoặc liên kết với Nhà nước thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ cao; Bổ sung, hoàn chỉnh các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH&CN, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trên các lĩnh vực ưu tiên. Phát huy tối đa khả năng đóng góp của các nhà khoa học trên địa bàn. Khen thưởng kịp thời các công trình nghiên cứu KH&CN có giá trị, các sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ trong và ngoài nước. Tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để cán bộ KH&CN phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình.

Hội nghị Tổng kết ngành KH&CN năm 2018.

2. Phát huy, tăng cường tiềm lực KH&CN. Tăng cường đầu tư phát triển KH&CN theo cơ chế thị trường trên cơ sở huy động hợp lý nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp và các cá nhân; Tập trung nguồn lực xây dựng và hoàn thiện các thiết chế KH&CN với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Ưu tiên hỗ trợ các dự án xây dựng thiết chế đô thị thông minh, công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong y dược… Tiếp tục đầu tư, hoàn thiện và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH&CN như: Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm; Trung tâm Đo lường, Thử nghiệm và Thông tin khoa học; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung…; Đầu tư các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia đủ khả năng kiểm định chất lượng tất cả các loại hàng hóa. Hỗ trợ Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm đạt trình độ khu vực và quốc tế; tạo điều kiện, hỗ trợ xây dựng Đại học Huế trở thành trung tâm nghiên cứu chuyển giao KH&CN mạnh trong vùng và cả nước; phát triển Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế sớm trở thành Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia tại miền Trung. Xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế xứng tầm là trung tâm y học cao cấp; Nghiên cứu hình thành một số trung tâm, viện nghiên cứu KH&CN hiện đại có liên kết với các tổ chức khoa học tiên tiến nước ngoài. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, tranh thủ tối đa để thu hút các cơ sở nghiên cứu của Trung ương đặt chi nhánh tại địa phương.

Xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế xứng tầm là trung tâm y học cao cấp. Ảnh: Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

3. Phát triển nguồn nhân lực KH&CN. Đẩy mạnh công tác quy hoạch phát triển nhân lực KH&CN, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung phát triển nguồn nhân lực trong các trường đại học, viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN. Hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh cấp vùng và quốc gia; Xây dựng Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh và một số cơ sở đào tạo ngoài công lập là hạt nhân đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và cả nước trong lĩnh vực KH&CN, đặc biệt tại các ngành, lĩnh vực mũi nhọn và lợi thế của tỉnh. Phát huy có hiệu quả đội ngũ trí thức, nhà khoa học; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học. Chủ động phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng tài năng trẻ từ các trường phổ thông, cao đẳng, đại học. Kết hợp hài hòa giữa sử dụng cán bộ khoa học tại chỗ với chuyên gia đầu ngành của Trung ương và nước ngoài.

4. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ hiện đại và các quy trình sản xuất tiên tiến vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, coi đây là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hình thành mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cho ngành công nghiệp công nghệ cao. Thực hiện cơ chế đối ứng hợp tác công - tư để doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các dự án đổi mới công nghệ, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển.

Dự án Trung tâm IOC đã đạt giải cho hạng mục "Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á" tại Giải thưởng Viễn thông châu Á - Telecom Asia Awards 2019.

5. Phát triển tài sản trí tuệ; thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển thị trường KH&CN. Phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh gắn với khai thác tài nguyên bản địa, kết hợp với phát huy giá trị văn hóa Huế để phát triển bền vững. Đẩy mạnh hoạt động đăng ký, bảo hộ và khai thác các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và giống cây trồng mới trên địa bàn; Đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN vào các lĩnh vực thuộc thế mạnh của tỉnh. Phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật KH&CN, môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá và định giá công nghệ. Đầu tư xây dựng các sàn giao dịch công nghệ của tỉnh liên thông với các sàn giao dịch công nghệ khu vực và thế giới. Khuyến khích thành lập tổ chức chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu trao giải Nhất cho Dự án “Gia vị bún bò – chuẩn vị Huế” tại Hội nghị Tổng kết và Trao giải thưởng Cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017.

6. Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với việc chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông một cách đồng bộ, theo hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện chính quyền điện tử, chuyển đổi số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh và nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân trên địa bàn tỉnh; đồng thời, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Xây dựng dữ liệu số làm nền tảng cho việc hoạch định các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tiến tới nền hành chính thân thiện và hiện đại, thích hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng và vận hành hiệu quả các hệ sinh thái thông minh về văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của tỉnh; Thu hút, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ số thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại địa bàn tỉnh. Khuyến khích doanh nghiệp mới tham gia phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh và cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số tại tỉnh.

Diễn đàn Khoa học và Công nghệ “Đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, câng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” được tổ chức vào năm 2017.

7. Nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN. Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII); đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN; Tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và các tổ chức thành viên trong các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò đội ngũ trí thức, thực sự là tổ chức đi đầu trong việc tổ chức, hướng dẫn phong trào thi đua sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH&CN.

Diễn tập Ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017.

8. Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN. Tăng cường hợp tác giữa các trung tâm, viện nghiên cứu của tỉnh, Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế với các tổ chức nghiên cứu KH&CN trong nước, nước ngoài để nâng cao tiềm lực KH&CN của tỉnh. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư và nhà sản xuất trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; Đa dạng hóa hợp tác quốc tế, ưu tiên hợp tác với các nước tiên tiến về KH&CN và đổi mới sáng tạo, tranh thủ các nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế để xây dựng các chương trình, dự án, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ thuật cao… Có chính sách hỗ trợ hoạt động giao lưu, trao đổi học thuật quốc tế; chính sách ưu đãi về đầu tư, đất đai, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính… để tạo đột phá trong thu hút các chuyên gia, nhà KH&CN ở trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN ở tỉnh.

9. Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong hoạt động KH&CN. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò của KH&CN trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Xác định KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; việc phát huy và phát triển KH&CN là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền; là một trong những nội dung lãnh đạo quan trọng của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng cấp; kế hoạch ứng dụng và phát triển KH&CN là một nội dung của quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương.

Công an Thị xã Hương Thủy bàn giao hình nộm thú nhồi bông bằng da hổ của phân loài Hổ Begal cho Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung năm 2019.

Có thể thấy rằng, Nghị quyết số 07 của Tỉnh ủy đã được ban hành là cơ sở để ngành KH&CN tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nhằm đạt được mục tiêu và tầm nhìn của Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị đề ra là đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về KH&CN, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.

                                                                                                          Đăng Nguyên