VATM tổ chức tập huấn Luật Đấu thầu ngày 23/6/2023 và văn bản pháp luật có liên quan

VATM tổ chức tập huấn Luật Đấu thầu ngày 23/6/2023 và văn bản pháp luật có liên quan

17:26 - 11/03/2024

Thực hiện chỉ đạo của Tổng giám đốc, Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện nghiệp vụ Quản lý bay đã phối hợp với Ban Kế hoạch – Đầu tư triển khai lớp tập huấn Luật Đấu thầu ngày 23/6/2023, Nghị định 24/2024/NĐ-CP và văn bản có liên quan trong 2 ngày 09 - 10/3/2024 tại Hà Nội. Lớp tập huấn có trên 350 cán bộ, nhân viên tham gia bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Toàn cảnh lớp tập huấn Luật Đấu thầu

Phát biểu khai giảng, ông Phạm Trung Dũng - Trưởng ban Kế hoạch - Đầu tư nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của lớp tập huấn trong việc trang bị cho học viên những quy định mới nhất về Luật Đấu thầu, điểm khác biệt cần lưu ý trong quá trình triển khai áp dụng so với Luật Đấu thầu trước đây. Ông cũng đề nghị học viên tham dự nghiêm túc, tiếp thu kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác đấu thầu tại đơn vị nhằm nâng cao năng lực, nghiệp vụ đấu thầu. Ông cũng mong muốn và hy vọng đây là cơ hội rất tốt để giảng viên có kinh nghiệm thuộc Cục quản lý đấu thầu sẽ giúp cho cán bộ, nhân viên VATM nắm vững những điểm mới nhất của Luật, giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra. 

Ông Phạm Trung Dũng, Trưởng ban Kế hoạch - Đầu tư VATM phát biểu khai giảng

Giới thiệu một số nội dung mới của Luật Đấu thầu năm 2023, Ông Nghiêm Ngọc Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tại kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Ông Nghiêm Ngọc Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giới thiệu các chuyên đề

Theo đó, Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 Chương, 96 Điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024, quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu; hoạt động lựa chọn nhà thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh. Luật này có nhiều điểm mới so với Luật hiện hành. Cụ thể:

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng, Luật Đấu thầu đã bổ sung điểm a Khoản 2 Điều 2 về hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện bao gồm: Các gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Thứ hai, Luật đã xác định rõ phạm điều chỉnh đối với hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.

Thứ ba, về quy trình, thủ tục đấu thầu, nhằm cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đấu thầu, Luật đã quy định theo hướng: Đẩy mạnh đấu thầu qua mạng nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, ngăn chặn các hành vi thông đồng, gian lận trong đấu thầu.

Cắt bỏ một số thủ tục thẩm định, phê duyệt ở cấp trung gian; bổ sung quy định cho phép triển khai trước một số hoạt động đấu thầu. Chỉ quy định thời gian tối thiểu để nhà thầu, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu, làm rõ hồ sơ dự thầu, đồng thời quy định thời gian tối đa để người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đăng tải các thông tin trong đấu thầu.

Bổ sung quy định về kết nối, chia sẻ thông tin giữa Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với các Cổng thông tin điện tử, hệ thống khác nhằm rút ngắn thời gian lập hồ sơ dự thầu của nhà thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu của chủ đầu tư.

Thứ tư, về các hình thức lựa chọn nhà thầu, nội dung mới chủ yếu trong các quy định về vấn đề này gồm: Bổ sung một số trường hợp được áp dụng hình thức chỉ định thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn, quan trọng, cấp bách và một số trường hợp mua sắm đặc thù khác.

Phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đối với gói thầu có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Luật hóa quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đồng thời Luật hóa quy định về hạn mức chỉ định thầu hiện đang quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.

Thứ năm, về lựa chọn nhà đầu tư, các quy định về lựa chọn nhà đầu tư tại Luật này đã được hoàn thiện theo hướng: Quy định về các hình thức lựa chọn nhà đầu tư; hồ sơ, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư; ký kết, thực hiện hợp đồng… trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện quy định của Luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các luật có liên quan.

Hoàn thiện quy định về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư để đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có đề xuất tốt nhất về kỹ thuật, xã hội, môi trường và hiệu quả sử dụng đất, đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực.

Thứ sáu, về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, Luật đã quy định chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm khuyến khích chuyển giao công nghệ, hỗ trợ hàng hóa có xuất xứ trong nước, sản phẩm đổi mới, sáng tạo, giúp các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm này có cơ hội tốt hơn trong việc tiếp cận thị trường.

Các đối tượng này sẽ được cộng thêm điểm vào điểm đánh giá của nhà thầu để so sánh, xếp hạng, được ưu tiên trong đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và các tiêu chí khác trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu.

Thứ bảy, về hồ sơ mời thầu, phương pháp, tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu, nhằm góp phần khắc phục tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đầu thầu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, Luật đã quy định theo hướng:

Sửa đổi, bổ sung quy định về công khai thông tin, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu theo hướng yêu cầu công khai tất cả các thông tin trong đấu thầu nhằm nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của các bên có liên quan, hạn chế tình trạng gian lận, làm cơ sở loại bỏ các nhà thầu không có uy tín, hàng hóa không bảo đảm chất lượng hoặc không đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế.

Bổ sung quy định về nội dung hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Sửa đổi, bổ sung quy định về cách xác định chi phí cho toàn bộ quá trình sử dụng của hàng hóa, công trình nhằm hạn chế tình trạng nhà thầu bỏ thầu giá rẻ để trúng thầu, dẫn đến việc thực hiện hợp đồng không bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Bổ sung quy định cho phép hồ sơ mời thầu được đưa ra yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ một nhóm quốc gia cụ thể trong trường hợp cần mua hàng hóa có chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm đáp ứng yêu cầu sử dụng, trong đó có vật tư, trang thiết bị.

Thứ tám, về Hợp đồng trong lựa chọn nhà thầu, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đấu thầu, Luật đã hoàn thiện quy định về hợp đồng theo hướng:

Phân biệt rõ các trường hợp áp dụng loại hợp đồng với nhà thầu; bãi bỏ quy định hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản.

Bổ sung quy định về nguyên tắc thực hiện hợp đồng và các trường hợp, điều kiện sửa đổi hợp đồng. Theo đó, các bên không phải ký kết văn bản sửa đổi hợp đồng với các nội dung đã được quy định trong hợp đồng khi đáp ứng các điều kiện về giá gói thầu, thời gian thực hiện hợp đồng, phương pháp, công thức, hạng mục và các nội dung cần thiết.

Thứ chín, về quản lý nhà nước trong hoạt động đấu thầu, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu thầu, Luật đã hoàn thiện theo hướng: Hoàn thiện quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; đồng thời bổ sung, hoàn thiện quy định về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu.

Hoàn thiện quy định về các hành vi bị cấm, trong đó bổ sung một số hành vi như thông thầu, gian lận, can thiệp trái phép vào hoạt động đấu thầu, cản trở hoạt động đấu thầu… để làm cơ sở xử lý các hành vi vi phạm về đấu thầu xảy ra trong thực tế.

Thứ mười, bổ sung hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, liên quan đến 9 nhóm hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu tại Điều 16, Luật đã bổ sung thêm mục đích của hành vi trong quy định cấm hành vi thông thầu; bổ sung quy định cấm hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng. Trong đó quy định rõ các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu như: đưa, nhận, môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dưới mọi hình thức.

Thông thầu bao gồm các hành vi dàn xếp, thỏa thuận, ép buộc để một hoặc các bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoặc rút hồ sơ dự thầu để một bên trúng thầu; Dàn xếp, thỏa thuận để từ chối cung cấp hàng hóa, dịch vụ, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc thực hiện các hình thức thỏa thuận khác nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu.

Ngoài ra, còn có nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu.

Các hành vi gian lận được quy định trong luật gồm làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu; Cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; không bảo đảm công bằng, minh bạch,...

Thứ mười một, quy định mới về thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu, Luật Đấu thầu năm 2023 đã bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Xây dựng và Bộ Luật dân sự năm 2015. 

Luật đã làm rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về đấu thầu tại Điều 84, đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo.

Để đảm bảo tính bao quát, Luật đã quy định mới về thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu tại Điều 86.

Luật Đấu thầu năm 2023 cũng quy định về trường hợp phát sinh tình huống chưa được quy định trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu (tại Điều 88); quy định về giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu (Điều 89).

Thứ mười hai, về hoạt động đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Ngoài các quy định chung, Luật này đã dành riêng Chương V để quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế.

Bên cạnh đó, giảng viên cũng đã giới thiệu những điểm mới của Luật Đấu thầu năm 2023, như: Các khái niệm trong lựa chọn nhà thầu (Điều 4); Tư cách hợp lệ (Điều 5); Hủy thầu (Điều 17); Đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư (Điều 18); Tổ chuyên gia, tổ thẩm định (Điều 19); Chỉ định thầu (Điều 23); Đàm phán giá (Điều 28); Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt (Điều 29); Kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án (Điều 36); Nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (Điều 37); Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (Điều 38); Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu (Điều 39);... Nhiều câu hỏi, nhiều tình huống thực tế tại VATM được học viên nêu ra đã được giảng viên chia sẻ, giải đáp hoặc gợi mở cách thức tiếp cận; đáp ứng mục tiêu lớp tập huấn đề ra.   

Một số hình ảnh tại buổi tập huấn: 

Nguồn: VATM tổ chức tập huấn Luật Đấu thầu ngày 23/6/2023 và văn bản pháp luật có liên quan (opensky.com.vn)