TRIỂN KHAI HỘI NGHỊ KHOA HỌC CỦA VĂN PHÒNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH KH&CN QUỐC GIA

TRIỂN KHAI HỘI NGHỊ KHOA HỌC CỦA VĂN PHÒNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH KH&CN QUỐC GIA

16:42 - 25/05/2023

Ngày 24/5/2023, tại thành phố Hà Nội, diễn ra Hội nghị “Kết nối các nguồn lực nhằm thu hút cá nhân, tổ chức tham gia hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ giao thông vận tải” với chương trình Hội thảo và Tọa đàm chuyên sâu trong lĩnh vực về "Quản lý và Điều hành hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ bằng công nghệ số".

 Hội nghị khoa học “Kết nối các nguồn lực nhằm thu hút cá nhân, tổ chức tham gia hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ giao thông vận tải” nằm trong Chương trình trọng điểm quốc gia triển khai chuỗi hoạt động của Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 với mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đến dự Hội nghị khoa học, về phía Bộ Giao thông vận tải có ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường; TS. Nguyễn Xuân Nguyên - Chuyên viên chính Vụ Vận tải; TS. Lý Huy Tuấn - Chuyên gia cấp cao ngành GTVT nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT; Ông Đỗ Công Thủy - Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải Người lái và phương tiện, Cục Đường bộ Việt Nam. Về phía Bộ KH&CN đơn vị quản lý các chương trình KH&CN Quốc gia có ông Phạm Đức Tôn - Phòng Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN; TS. Nguyễn Ngọc Song - Phó Giám đốc Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Về phía Cơ sở giáo dục đào tạo và Hiệp hội có NGƯT.GS.TS. Từ Sỹ Sùa - Trường Đại học GTVT, Chuyên gia cấp cao về Tổ chức và Quản lý vận tải; TS. Nguyễn Văn Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội; ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch và ông Nguyễn Xuân Hoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam; ông Trần Văn Tám - Phó Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt - Nga; ông Vũ Hữu Tiến - Chánh văn phòng Hội An toàn giao thông. Về hệ sinh thái KNĐMST có bà Đặng Thị Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp, Sở KHĐT Hà Nội (Đơn vị chủ trì Đề án 4889 của UBND Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ đầu tư không gian tổ hợp Vườn ươm khởi nghiệp cho Nhà trường năm 2020); bà Trần Phương Lê - Trưởng phòng Khởi nghiệp, Trung tâm Ươm tạo và Đào tạo CNC (HITC), thuộc Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc (Bộ KH&CN). Về phía Trường Đại học Công nghệ GTVT, đơn vị được Bộ KHCN giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN Quốc gia có GVCC.TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng; TS. Đinh Quang Toàn - Phụ trách KNĐMST và Kết nối doanh nghiệp, kiêm Trưởng Làng Transtech và Trưởng Ban tổ chức hội nghị khoa học; TS. Ngô Quốc Trinh - Trưởng Phòng KHCN&HTQT; TS. Hoàng Văn Lâm - Phó Trưởng Khoa Kinh tế vận tải và Đại diện các Khoa, Phòng, Trung tâm, các thầy cô trong Nhà trường. Về đại biểu Diễn giả đến từ các cơ quan Quản lý nhà nước; các Doanh nghiệp công nghệ-cung ứng giải pháp và DN kinh doanh vận tải; khối Cơ sở giáo dục đào tạo và hệ sinh thái KNĐMST; đặc biệt là sự tham dự của đại diện của gần 50 Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường bộ trong nước và quốc tế.

GVCC.TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Phó hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc hội nghị 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GVCC.TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Phó hiệu trưởng cho biết Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải thuộc Bộ Giao thông vận tải, Nhà trường với gần 80 năm xây dựng và phát triển trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cung cấp giải pháp công nghệ cho ngành Giao thông vận tải (GTVT) và xã hội gắn đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nói riêng và ngành GTVT nói chung. Trong những năm qua để thích ứng với sự phát triển không ngừng của KHCN gắn Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là xu hướng của xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng, Nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực về đổi mới sáng tạo trong đó việc áp dụng công nghệ vào giáo dục có vai trò vô cùng to lớn, tạo bước ngoặt, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới thông minh, hiệu quả hơn cho người học và người dạy đặc biệt trong môi trường giáo dục đại học nhằm phát triển Nhà trường thành Trường đại học thông minh (Smart University). Phó Hiệu trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Hội nghị hôm nay tập trung vào lĩnh vực chuyên sâu trong ngành giao thông vận tải về quản lý và điều hành hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ bằng công nghệ số. Thông qua hội nghị, Nhà trường mong muốn là cầu nối để các nhà quản lý, tổ chức, nhà đầu tư, các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học cùng hợp tác để hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả dịch vụ kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Giao thông vận tải)

Phát biểu tại Hội nghị khoa học, đại diện Bộ Giao thông vận tải ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó vụ trưởng Vụ KHCN&MT đã đánh giá cao việc Nhà trường được Bộ KH&CN giao chủ trì Làng Công nghệ Giao thông vận tải (TECHFEST TRANSTECH) thuộc Techfest Quốc gia nhằm kết nối nguồn lực hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ GTVT của Việt Nam vươn ra thế giới và đem những tiến bộ KHCN của Thế giới về Việt Nam nhằm phát triển hệ sinh thái KNĐMST Quốc gia, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ thông qua ứng dụng các giải pháp công nghệ như IoT, IA, ERP, RFID, V2X, GPS, BIM, … vào kỹ thuật xây dựng hạ tầng giao thông; quản lý vận hành hệ thống giao thông; và chuỗi cung ứng logistics; … phục vụ sự nghiệp phát triển của ngành GTVT và của đất nước … đây là những hướng đi giúp Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải nâng cao vị thế gắn với sứ mạng đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, đa ngành, đa lĩnh vực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển của ngành Giao thông vận tải và của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển quốc tế, hội nhập với nền giáo dục đại học tiên tiến của khu vực và trên thế giới, hướng đến phát triển Nhà trường thành đại học thông minh (Smart University). Bên cạnh đó ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó vụ trưởng Vụ KHCN&MT cho rằng: Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, một trong những quan điểm của chiến lược phát triển KHCN&ĐMST từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045 đó là phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên cơ sở lấy doanh nghiệp làm trung tâm, các viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh. Nhà trường đã thực hiện hiệu quả Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm đạt mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với tiêu chí đến năm 2030 đạt được 90% số người dân trong độ tuổi lao động biết đến các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ngân hàng; thành thạo cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu; 80% cơ sở giáo dục có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số. Do vậy, Hội nghị khoa học tập trung vào ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và điều hành hoạt động giao thông vận tải hết sức quan trọng và đang được tích cực ứng dụng trong ngành GTVT.

Ông Đỗ Công Thủy - Phó Trưởng phòng QLVT Phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải)

Ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam thông tin, tổng số phương tiện kinh doanh vận tải hành khách hiện nay có 324.467 xe. Trong đó, tuyến cố định có 18.022 xe, chiếm tỷ lệ 6%; xe buýt có 9.536 xe, chiếm tỷ lệ 3%; xe taxi có 64.527 xe, chiếm tỷ lệ 20%; xe hợp đồng có 228.738 xe, chiếm tỷ lệ 70%; xe du lịch có 3.644 xe, chiếm tỷ lệ 1%. Ông Đỗ Công Thủy đánh giá việc triển khai ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực giao thông vận tải hiện nay gặp một số khó khăn là do nhận thức về chuyển đổi số một cách toàn diện và sâu rộng tại một số cơ quan, đơn vị là chưa cao. Các ứng dụng công nghệ thông tin mới đáp ứng được các yêu cầu nghiệp vụ đơn lẻ, thiếu tính kết nối; chưa hình thành các cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung và chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ phục vụ chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định. Tình trạng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý chuyên ngành còn nhiều hạn chế và chưa được xây dựng theo quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật. Nguồn nhân lực về ứng dụng công nghệ trong các đơn vị kinh doanh vận tải và tại cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu và yếu. Đa số các ứng dụng công nghệ thông tin còn khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư, xây dựng và duy trì, vận hành. Ông Đỗ Công Thủy đề xuất, hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung gồm đơn vị kinh doanh vận tải, phương tiện, loại hình kinh doanh, hiệu lực của phù hiệu, biển hiệu, … Cung cấp công cụ giám sát trực tuyến trên bản đồ số toàn bộ phương tiện trong toàn quốc theo thời gian thực (xem được toàn bộ các thông tin có liên quan đến 1 phương tiện bất kỳ đang hoạt động vận chuyển trên đường). Ứng dụng các giải pháp về công nghệ để xác định số lần vi phạm tốc độ, xác định vi phạm thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày. Giải pháp về công nghệ để kiểm soát truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe, …

TS. Đinh Quang Toàn - Phụ trách KNĐMST và Kết nối doanh nghiệp Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, kiêm Trưởng Làng Transtech và Trưởng Ban tổ chức

TS. Đinh Quang Toàn - Trưởng Làng Transtech, kiêm Trưởng Ban tổ chức điều phối tại hội nghị khoa học cho biết, trong xu thế phát triển của KHCN toàn cầu, hoạt động KNST đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh để bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Hoạt động KNST cần được ươm tạo, nuôi dưỡng và phát triển trong một hệ sinh thái thuận lợi. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Start-up)là quá trình khởi nghiệp dựa trên ý tưởng sáng tạo, tạo ra sản phẩm mới; hoặc sản phẩm cũ nhưng có điểm khác nổi trội, ưu việt hơn so với những SP-DV đã từng có trên thị trường và được phát triển nhanh chóng vượt bậc”. Hệ sinh thái KNĐMST (Startup ecosystem) bao gồm các cá nhân, nhóm cá nhân; các tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp. Hiện nay, trong ngành vận tải đã có nhiều DN áp dụng các giải pháp chuyển đổi số đạt được những hiệu quả bước đầu rất quan trọng, trong đó có chuyển đổi phương thức quản trị DN hoạt động KDVT nhằm thích ứng với bối cảnh mới về chuyển đổi số và hậu covid-19. Bên cạnh đó, các cơ quan QLNN từ Trung ương đến Bộ ngành chủ quản đã ban hành các văn quy định chính sách về hoạt động KDVT ứng dụng công nghệ (như Nghị định số 10/2020/NĐ-CP; Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT; Nghị định số 37/2022/NĐ-CP; Thông tư số 17/2022/TT-BGTVT). Do vậy, các đơn vị KDVT cần ứng dụng công nghệ để quản lý điều hành và cung cấp dữ liệu theo quy định của cơ quan QLNN phục vụ quá trình nâng cao chất lượng dịch vụ KDVT bằng ô tô nhằm khắc phục các bất cập hiện nay, thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, đồng thời tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông - đây chính là tiêu chí của Hội nghị khoa học kết nối nguồn lực cho hoạt động vận tải của ngành GTVT hôm nay.

TS. Đinh Quang Toàn - Trưởng Làng Transtech và Trưởng Ban tổ chức tham gia Điều phối tại hội nghị khoa học

TS. Đinh Quang Toàn - Trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh, để Hội nghị khoa học đảm bảo tính hữu dụng, Nhà trường đã mời các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong các tổ chức cơ quan QLNN; các Hiệp hội, Viện trường; các DN công nghệ và KDVT; các Nhà đầu tư; … trong lĩnh vực GTVT trực tiếp tham gia tham luận của các Chuyên gia cấp cao tại Hội thảo và Tọa đàm chuyên sâu trong lĩnh vực về "Quản lý và Điều hành hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ bằng công nghệ số" theo các chủ đề: (1) Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ bằng công nghệ số; (2) Chuyển đổi số trong vận tải hành khách - hành hóa; (3) Thực trạng ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh vận tải tại; (4) Xu hướng ứng dụng công nghệ vào kiểm soát phương tiện vận tải; (5) Giải pháp kết nối hiệu quả DN Công nghệ - Quản lý Nhà nước - DN Kinh doanh vận tải; (6) Kết nối nguồn lực nhằm thúc đẩy liên kết giữa Hệ sinh thái KN ĐMST trong lĩnh vực công nghệ GTVT, qua đó tạo cơ hội trải nghiệm thực tế tại các DN Công nghệ; DN Kinh doanh vận tải; DN Startup.

Sau gần 4 tiếng diễn ra sôi nổi tại Hội nghị khoa học, với nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh vận tải nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó tối ưu hóa cho hoạt động vận tải nhằm thích ứng với bối cành mới của thời kỳ chuyển đổi số và hậu Covid-19, Ban tổ chức tiếp thu các ý kiến khoa học để tổng hợp đề xuất các cơ quan chủ quản có liên quan làm cơ sở tham khảo điều chỉnh chính sách và tạo động lực cho ngành vận tải phát triển bền vững. TS. Đinh Quang Toàn - thay mặt Ban tổ chức và đại diện lãnh đạo Nhà trường gửi lời cảm ơn và kính chúc quý Đại biểu sức khỏe và hạnh phúc, phát triển; trong thời gian tới Nhà trường tiếp tục triển khai nhiều hoạt động công nghệ phục vụ ngành GTVT trong việc thực hiện nhiệm vụ KHCN trong hệ sinh thái quốc gia và nằm trong kế hoạch hoạt động Techfest năm 2023 cũng như hoạt động của mạng lưới các Trung tâm KNĐMST trong các cơ sở giáo dục đào tạo; Nhà trường mong được tiếp tục nhận được sự đồng hành của Bộ KH&CN, Văn phòng các Chương trình KHCN Quốc gia, Bộ GTVT, các tổ chức trong hệ sinh thái, các chuyên gia ngành GTVT, … nhằm đóng góp vào sự phát triển của ngành GTVT trong mội trường của hệ sinh thái KNĐMST Quốc gia.

* Một số hình ảnh tại Hội thảo và Tọa đàm trong buổi Hội nghị khoa học kết nối nguồn lực:

CEO. Phan Bá Mạnh - Công ty TNHH MTV Công nghệ An vui (Chuyên gia cấp cao về giải pháp công nghệ) trình bày tham luận tại Hội nghị khoa học với chủ đề “Chuyển đổi số trong hoạt động vận tải hành khách”

CEO. Trần Xuân Trung - Chi nhánh Mai Linh Hà Nội, Tập đoàn Mai Linh (Chuyên gia cấp cao trong kinh doanh vận tải) trình bày tham luận tại Hội nghị khoa học với chủ đề “Thực trạng ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh vận tải tại Tập đoàn Mai Linh”

CEO. Trịnh Thắng - Công ty CP Vận tải quốc tế Hải Vân (Chuyên gia cấp cao trong kinh doanh vận tải) trình bày tham luận tại Hội nghị khoa học với chủ đề “Thực trạng ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh vận tải tại Hải Vân”

CEO. Nguyễn Anh Tuấn - Công ty CP Công nghệ VTgo Việt Nam (Chuyên gia cấp cao về giải pháp công nghệ) trình bày tham luận tại Hội nghị khoa học với chủ đề “Chuyển đổi số trong hoạt động vận tải hàng hóa”

CEO. Sử Từ Tân - Công ty Cổ phần Giải pháp MIG (Chuyên gia cấp cao về giải pháp công nghệ) trình bày tham luận tại Hội nghị khoa học với chủ đề “Xu hướng ứng dụng công nghệ vào kiểm soát phương tiện vận tải”

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam (Chuyên gia cấp cao của ngành GTVT) trình bày tham luận tại Hội nghị khoa học với chủ đề rất thời sự hiện nay trong hoạt động kinh doanh vận tải “Giải pháp kết nối hiệu quả Doanh nghiệp Công nghệ - Quản lý Nhà nước - Doanh nghiệp Kinh doanh vận tải”

 Nguyễn Trang - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghệ Lotus tham gia Tọa đàm tại Hội nghị khoa học và đánh giá cao mục đích tiêu chí của Hội nghị khoa học với nhiều nội dung liên quan đến hiện trạng mà Công ty Lotus đang quan tâm trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải để giải quyết hiệu quả các bài toán của vận tải đa phương thức đối với các doanh nghiệp Starup - hoạt động trong lĩnh vực Xuất nhập khẩu hàng hóa

Bà Sa Thị Phương - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thịnh Phát Phú Thọ tham gia Tọa đàm Tọa đàm tại Hội nghị khoa học và đề xuất việc kết nối nguồn lực giữa ngành vận tải với ngành du lịch bằng công nghệ số trên địa bàn các tỉnh phía Bắc nhằm tạo giá trị cho Doanh nghiệp và thúc đẩy hệ sinh thái địa phương phát triển

NGƯT.GS.TS. Từ Sỹ Sùa - Trường Đại học GTVT, Chuyên gia cấp cao về Tổ chức và Quản lý vận tải đánh giá cao ý nghĩa và tính thời sự của Hội nghị khoa học, đồng thời gợi mở cho Ban tổ chức có thể mở rộng quy mô Hội nghị khoa học theo hướng nghiên cứu giải pháp công nghệ cho chuỗi cung ứng Logistics, cũng như Hội nghị hôm nay có thể đề cập đến các loại hình kinh doanh vận tải hiện nay, cũng như xem xét việc kết nối của vận tải đa phương thức

TS. Nguyễn Ngọc Song – Phó Giám đốc Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN) đại diện hệ sinh thái KNĐMST Quốc gia tham gia Tọa đàm tại Hội nghị khoa học

Ông Trần Văn Tám - Phó Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt - Nga, chuyên gia kết nối nguồn lực tham gia Tọa đàm tại Hội nghị khoa học với chủ đề “Kết nối nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm tận dụng các thế mạnh của lĩnh vực vận tải đường sắt, đường thủy trong ngành GTVT”

BTC chụp ảnh cùng các Diễn giả tham gia Tham luận tại Hội thảo và Tọa đàm trong buổi Hội nghị khoa học “Kết nối các nguồn lực nhằm thu hút cá nhân, tổ chức tham gia hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ giao thông vận tải”

Nguồn: TRIỂN KHAI HỘI NGHỊ KHOA HỌC CỦA VĂN PHÒNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH KH&CN QUỐC GIA | Trung tâm Khởi nghiệp và Quan hệ doanh nghiêp (utt.edu.vn)