THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ: CẦN NHANH CHÓNG BỊT CÁC LỖ HỔNG PHÁP LÝ

THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ: CẦN NHANH CHÓNG BỊT CÁC LỖ HỔNG PHÁP LÝ

13:46 - 11/06/2021

Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển dần thay thế một phần hoạt động thương mại truyền thống. Theo số liệu do Bộ công thương công bố, năm 2020 tốc độ tăng trưởng của  TMĐT ước tính đạt mức 18% và quy mô thị trường  đạt 11,8 tỷ USD. Đây là con số chính thức được công bố không tính đến các hoạt động kinh doanh trực tuyến thông qua mạng xã hội và các nền tảng thiết bị di động mà hiện nay các cơ qua

Nhiều kẻ hở và rủi ro trong hoạt động thương mại điện tử

Hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về Thương mại điện tử. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 47/2014/TT-BCT ngày 5/12/2014 quy định về quản lý các website thương mại điện tử. Bên cạnh các quy định pháp luật nói trên, hoạt động thương mại điện tử còn bị chi phối bởi các văn bản pháp lý khác có liên quan như: Luật Thương Mại, Bộ Luật Dân sự, Luật giao dịch điện tử… Tuy nhiên có thể thấy hoạt động thương mại điện tử trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, hệ thống pháp lý chưa theo kịp tốc độ phát triển như vũ bão của loại hình kinh doanh này.

Đối với các sàn giao dịch trực tuyến, theo quy định các trang web bán hang online đều phải đăng ký với Cục thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công thương quản lý và sau khi cấp phép thì mới được hoạt động. Tuy nhiên trên thực tế có hàng chục ngàn trang web bán hàng trực tuyến trái phép, quảng cáo bán hàng rầm rộ nhưng vẫn không bị cơ quan nào xử lý. Theo quy định, chất lượng, nguồn gốc  hàng  hoá bán trên các sàn TMĐT phải được đăng ký và kiểm soát chặt chẽ tuy nhiên các cơ quan chức năng không thể kiểm soát được vì các doanh nghiệp này thường không có kho hàng cố định, không có hệ thống sổ sách kế toán, thậm chí không có trụ sở kinh doanh.

Rủi ro lớn nhất đối với người tiêu dùng là mua nhầm sản phẩm hàng nhái, hàng giả quảng cáo nhan nhãn trên các sàn giao dịch điện tử nhưng cũng không biết khiếu nại tới cơ quan nào vì rất nhiều giao dịch không có có hoá đơn chứng từ nên không có bằng chứng để các cơ quan chức năng xử lý. Theo quy định hiện hành các sàn giao dịch điện tử chỉ là đơn vị trung gian do đó sẽ không bị truy cứu trách nhiệm gì về chất lượng hàng hoá bán trên sàn nên khi có khiếu nại của khách hàng họ chỉ xử lý bằng cách không cho doanh nghiệp vi phạm tham gia giao dịch trên sàn nữa mà thôi.

Một rủi ro khác không thể nói đến đó rủi ro tài chính. Người mua hàng trên mạng rất dễ mất tiền khi chuyển tiền mua hàng cho các trang web bán hàng online hoặc các facebooker, youtuber lừa đảo. Rất nhiều người bị tiết lộ thông tin cá nhân và bị lợi dụng để bán thong tin cho các công ty quảng cáo quấy rầy.   

Lĩnh vực sôi động nhất của hoạt động TMĐT là kinh doanh trên nền tảng các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube, Zalo… và các nền tảng thiết bị di động. Gần như bất cứ ai cũng có thể lập một trang bán hàng trên các ứng dụng mạng xã hội mà không cần đăng ký với bất kỳ cơ chức năng nào vì vậy chất lượng hàng hoá không thể kiểm soát được. Đặc biệt, hiện nay việc kinh doanh trên nền tảng thiết bị di động chưa được đề cập trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Thông tư 47/2014/TT-BCT. Đây là kẻ hở rất lớn mà các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử lợi dụng để làm ăn phi pháp và trốn thuế.

Hệ thống pháp luật hiện hành còn thiếu các chế tài xử lý các hành vi vi phạm khi kinh doanh TMĐT  qua mạng xã hội và nền tảng thiết bị di động nên một số  doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh theo loại hình này nở rộ như nấm và mặc sức lừa đảo người mua mà không bị ai xử lý.

Một vấn đề cuối cùng là hành vi trốn thuế các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử. Do phần lớn các giao dịch  thường không xuất hoá đơn, không đăng ký kinh doanh nên ngoại trừ các doanh nghiệp lớn có đăng ký với Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ công thương) hoặc các youtuber, facebooker nổi tiếng trên mạng xã hội thì ngành thuế mới có thể kiểm soát được, còn lại phần lớn ngành thuế mất kiểm soát với các hoạt động TMĐT trá hình trên mạng xã hội và các nền tảng thiết bị di động. Với quy mô thị trường lên đến hàng chục tỷ USD/năm thì tiền thuế thất thoát hàng năm là không hề nhỏ.

Cần sửa đổi hệ thống pháp lý theo hướng  chặt chẽ, minh bạch

Cho đến thời điểm này Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Thương mại điện tử và Thông tư 47/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương đã trở nên lạc hậu, không theo kịp xu thế phát triển mạnh mẽ của hoạt động TMĐT trong những năm vừa  qua và thời đại 4.0 sắp đến nên các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng sửa đổi hệ thống  để bịt các lỗ hổng pháp lý trong lĩnh vực này.

Thiết nghĩ việc đầu tiên là chính phủ phải tập trung xây dựng bổ sung các quy định quản lý các hoạt động kinh doanh  trên mạng xã hội và các nền tảng thiết bị di động. Đây là lĩnh vực gần như bị bỏ quên trong thời gian qua. Nhà nước khuyến khích các tổ chức cá nhân kinh doanh các lĩnh vực mà pháp luật không cấm nhưng bắt  phải đăng ký kinh doanh và làm nghĩa vụ thuế với nhà nước. Tương tự hoạt động kinh doanh truyền thống, các tổ chức cá nhân tham gia kinh doanh online phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh và kê khai nộp thuế đầy đủ. Mặc dù bán hàng trên mạng nhưng người bán bắt buộc có địa điểm kinh doanh, kho hàng để các cơ quan chức năng có thể kiểm tra khi cần thiết. Để làm được việc này các cơ quan chức năng phải làm việc và yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp các nền tảng mạng xã hội như facebook, youtube, zalo, instagram… chỉ cho phép các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội của mình khi đã xác thực doanh nghiệp, cá nhân đó có đăng ký kinh doanh thì mới được quảng cáo bán hàng hoá, không để tình trạng người người nhà bán hàng trái phép trên mạng xã hội và các nền tảng thiết bị số như hiện nay. Kiểm soát được việc đăng ký kinh doanh sẽ tiến tới kiểm soát được thất thu thuế. Tất nhiên việc đăng ký kinh doanh hoạt động TMĐT cần phải  đơn giản để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận.

Cần có quy định bắt buộc các sàn giao dịch thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá cũng như các rủi ro về tài chính, rủi ro về an toàn thông tin của người mua hàng chứ không phải chỉ với tư cách là người trung gian thu phí các doanh nghiệp bán hàng trên sàn của mình. Các doanh nghiệp quản lý sàn thương mại điện tử phải kiểm tra uy tín các doanh nghiệp bán hàng, chất lượng hàng hoá bán trên sàn trước  khi cho phép giao dịch trên sàn chứ không thể đá quả bóng sang người mua để họ tự tranh chấp với người bán khi xảy ra sự cố gian lận, lừa đảo.

Nhà nước cũng cần bổ sung các chế tài nghiêm khắc để xử lý các hành vi kinh doanh TMĐT trái phép, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực này. Hiện nay các hành vi vi phạm này thường không bị xử lý hoặc bỏ qua vì không đủ bằng chứng hoặc quá rắc rối vì các chế tài liên quan đến nhiều bộ luật: Luật Thương mại, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Luật dân sự, Luật giao dịch điện tử… Cần tích hợp các chế tài nằm rải rác ở các quy định pháp luật nói trên để xây dựng một chế tài riêng cho hoạt động TMĐT theo hướng nghiêm khắc và minh bạch. Tốt nhất nên sửa đổi Luật thương mại theo hướng bổ sung thêm các hoạt động TMĐT bên cạnh các hoạt động thương mại truyền thống.     

Cuối cùng, hãy làm một người tiêu dùng thông thái khi tham gia mua hàng trực tuyến. Hãy kiểm tra tính pháp lý của các sàn giao dịch TMĐT, các trang web bán hàng online qua cổng thông tin của Cục thương mại điện tử và kinh tế số trước khi mua hàng. Hãy lựa chọn các thương hiệu, các nhãn hàng có uy tín, có chất lượng trên thị trường để giảm thiểu rủi ro. Trong tình hình hoạt động TMĐT chưa được quản lý chặt chẽ, còn nhiều rủi ro người mua nên chọn hình thức  trả tiền khi mua hàng (COD) và kiểm tra hàng trước khi mua để tránh bị lừa đảo.

Theo TS Võ Duy Nghi