Thừa Thiên Huế: Giữ lại dấu chân “Kỳ lân Châu Á” trên dãy Trường Sơn

Thừa Thiên Huế: Giữ lại dấu chân “Kỳ lân Châu Á” trên dãy Trường Sơn

21:20 - 09/07/2022

Ngày 9/7, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế phối hợp với tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức buổi triển lãm “Giữ lại dấu chân Sao la trên dãy Trường Sơn” tại Nhà văn hóa thiếu nhi TP Huế. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ của dự án Carbi 2.

Lâu nay, trên dãi rừng xanh thuộc dãy Trung Trường Sơn (thuộc địa phận Thừa Thiên Huế) được biết đến là nơi cư ngụ của nhiều loài thú quý hiếm như Mang lớn, Mang Trường sơn, Cầy vằn, Thỏ vằn Trường Sơn, cùng với các loài có giá trị bảo tồn cao như Vượn đen má hung Trung, Vooc Chà vá chân nâu và nhiều loài thuộc họ trĩ khác. Đặc biêt, trong số đó có loài Sao La, được mệnh danh là Kỳ lân Châu Á.

Buổi triển lãm với chủ đề "Giữ lại dấu chân Sao La trên dãy Trường Sơn”

Đây là loài thú cổ đại được cho là bí ẩn nhất trên thế giới. Ngay tại thời điểm phát hiện, Sao La đã là một loài thú hiếm với số lượng quần thể rất nhỏ. Loài vật này sinh sống chủ yếu tại vùng rừng nguyên sinh thuộc Trung Trường Sơn Việt Nam và Nam Lào. Năm 2006, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế xác định tình trạng loài Sao la ở mức “Cực kì Nguy cấp”.

Qua tìm hiểu, Sao La được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1992 tại Vườn Quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh, nằm gần biên giới Việt – Lào. Việc phát hiện ra Sao la được coi là một sự kiện có ý nghĩa toàn cầu trong lịch sử khoa học vì chỉ có 5 loài thú lớn được phát hiện trong suốt 100 năm trước đó.

Nhiều bạn nhỏ tham dự và tìm hiểu về Sao La tại buổi triển lãm

Tại Thừa Thiên Huế, việc phát hiện ra những dấu tích của loài này cũng được xem là một trong những phát hiện quan trọng về động vật trong thế kỷ 20. Những phát hiện về Sao La chủ yếu từ năm 1995 đến 1999 và cho đến nay chưa một lần ghi nhận lại sự xuất hiện loài này.

Tuy nhiên, khi phát hiện thì quần thể Sao La đã rất nhỏ, phân bố hẹp, rải rác, nơi cư trú không liên tục cộng với việc chỉ sinh sống ở ghềnh đá đầu nguồn khe suối có độ cao trên 200 – 600 m vì thế công tác bảo vệ là vô cùng khó khăn. Không những thế, Sao La còn phải đối mặt với những nguy cơ đến từ con người. Mối đe dọa lớn nhất là nạn săn bắt trái phép.

Buổi triển lãm với thông điệp mong muốn nâng cao nhận thức và sự tham gia sâu rộng của xã hội góp phần bảo tồn loài động vật quý hiếm này

Bên cạnh đó sinh cảnh bị phân cắt và hủy hoại, bởi sự phát triển không bền vững và tình trạng khai thác lâm sản trái phép, là một mối đe dọa khác đến sự sinh tồn của Sao la.

Để hướng tới ngày Quốc tế Sao La 9/7, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế cùng với tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam tổ chức buổi triển lãm với chủ đề, “Giữ lại dấu chân Sao la trên dãy Trường Sơn” với mong muốn nâng cao nhận thức và sự tham gia sâu rộng của xã hội góp phần bảo tồn loài động vật quý hiếm này.

Ông Lê Ngọc Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong những năm qua, với sự nỗ lực của các ngành có liên quan và sự đồng hành của các tổ chức phi chính phủ, công cuộc bảo vệ loài Sao la mới được quan tâm một cách có chiến lược.

Theo ông Tuấn, một trong những nỗ lực đầu tiên nhằm chống lại các mối đe dọa trên đó là việc thành lập Khu Bảo tồn Sao la Thừa Thiên Huế. Đây là việc làm cần thiết và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng. Cùng với Khu bảo tồn Sao La Quảng Nam, Vườn Quốc gia Bạch Mã và VQG Sê xáp – Lào tạo nên một vùng sinh cảnh liền mạch quan trọng cho Sao la, bao phủ hơn 200.000 héc-ta diện tích rừng Trường Sơn dọc biên giới Lào và Việt Nam.

“Qua sự kiện này, chúng tôi hy vong  người dân sẽ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của Sao La. Từ đó ý thức hơn trong việc bảo tồn bởi vì hơn bao giờ hết cần có sự chung tay của cộng đồng. Vì đây không chỉ đơn thuần là cuộc chiến nhằm bảo vệ một loài động vật trong tình trạng nguy cấp, mà còn là cuộc chiến nhằm cứu lấy thiên nhiên, các lợi ích sinh thái, sinh kế cộng đồng, văn hóa bản địa và tất cả những gì mà loài Sao la đại diện”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Trọng Dân/Opensky