Kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An: Vấn đề an sinh xã hội còn nhiều trăn trở

Kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An: Vấn đề an sinh xã hội còn nhiều trăn trở

15:18 - 12/07/2024

Sáng 10/7 vừa qua, trong chương trình kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tại tổ 4 các đại biểu đã tiến hành thảo luận tổ có sự tham gia của các đại biểu được bầu từ các đơn vị: huyện Anh Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Ông Vi Văn Hòe, tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn chủ trì phiên thảo luận tổ.

Tại kỳ họp này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh 14 báo cáo và 22 dự thảo nghị quyết. Qua theo dõi, tổng hợp thảo luận tại tổ và tại hội trường, đa số các vị đại biểu HĐND tỉnh cơ bản nhất trí với nội dung các báo cáo, các dự thảo Nghị quyết, đặc biệt là báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 mà UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp.

Theo đó, các đại biểu HĐND tỉnh đều thể hiện trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc, toàn diện, sát thực tiễn, có phân tích đánh giá các nguyên nhân khách quan, chủ quan; có dự báo tình hình thế giới, trong nước trong thời gian tới; có những hiến kế quyết sách lớn với hàm lượng trí tuệ cao, trên tinh thần xây dựng, vì sự phát triển chung của tỉnh.

Tại tổ 4 các đại biểu đã tiến hành thảo luận tổ có sự tham gia của các đại biểu được bầu từ các đơn vị: huyện Anh Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Ông Vi Văn Hòe, tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Kỳ Sơn chủ trì phiên thảo luận tổ.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Trương Minh Cương, huyện Quế Phong chỉ rõ những bất cập trong quá trình đầu tư, bàn giao, đưa vào sử dụng hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn. Đó là trên địa bàn huyện có công trình điện lưới kéo dài quá thời gian hơn 2 năm chưa đóng điện cho người dân; việc chi trả đền bù cho người dân sau khi đã đầu tư giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án điện vẫn chưa được thực hiện khiến đời sống người dân gặp khó khăn. Có một số địa điểm sau khi sửa chữa, nâng cấp trạm biến thế thì điện yếu hơn, “thời gian cao điểm có lúc người dân không thể nấu cơm được”. Vì vậy, đề nghị tỉnh cần chỉ đạo ngành điện lực giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc, bất cập để người dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất kinh doanh.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đại biểu Vi Văn Quý, huyện Quỳ Hợp cho biết Kỳ thi vào lớp 10 xảy ra một thực tế khiến phụ huynh trăn trở, học sinh áp lực, đó là việc cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng. Bởi vì khi học sinh ở thành phố về các trường học vùng phụ cận thì các em học sinh sở tại khó lòng cạnh tranh, không có cơ hội để vào trường. Tuy nhiên điều đáng nói là sau khi học được một thời gian ở các trường miền núi thì các em học sinh lại có thể chuyển về trường ở địa phương nơi các em sinh sống khiến cho việc trong các lớp học có ghế trống, nhưng các em sở tại lại không được theo học.

Theo đại biểu Lục Thị Liên, qua tình hình thực tế và yêu cầu đặt ra, đặc biệt Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là tiền đề quan trọng giúp tỉnh có thêm tiềm lực để phát triển nhanh, bền vững. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị tỉnh nên phát động, khuyến khích cán bộ, đảng viên đề xuất các ý tưởng về cải cách hành chính, phát triển khu kinh tế, đào tạo nghề, bảo vệ môi trường... mang tính sâu rộng hơn. Đồng thời, quan tâm bố trí nguồn vốn, công tác thu hút đầu tư để giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho lực lượng lao động tại các huyện miền núi; quan tâm hỗ trợ, thu hút các nhà máy may. Cần có các giải pháp để “giữ chân” bác sỹ làm việc tại các bệnh viện công vì hiện nay có tình trạng các bác sỹ bỏ việc, chuyển ra các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân...

Các đại biểu cũng đề nghị cần quan tâm công tác phòng chống HIV/AIDS tại các thôn, bản miền núi vì hiện nay tình trạng người nghiện ngày càng tăng chứ chưa thuyên giảm; cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao hiệu quả phòng chống tệ nạn xã hội. Cần quan tâm đến công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh bạch hầu.

Đại biểu Trương Minh Cương, huyện Quế Phong đưa ra ý kiến tại cuộc họp.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về sản phẩm OCOP của các huyện miền núi sau khi được công nhận thì việc hỗ trợ cho người dân còn chậm; hiệu quả sử dụng chợ nông thôn không cao, cần quan tâm đầu tư phát triển một số chợ truyền thống. Khó khăn trong thủ tục về sáp nhập trường và xử lý tài sản sau sáp nhập; chưa có bản đồ hành chính mới sau sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính. Cần có hướng dẫn cụ thể, phù hợp về chuẩn văn minh đô thị để các huyện dễ thực hiện; quan tâm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp; cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng, tận thu cát ở lòng hồ thủy điện; giải quyết tình trạng “xâm canh, xâm cư”...

Trả lời, làm rõ ý kiến phát biểu của các đại biểu, ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An, cho biết: Tỉnh sẽ chỉ đạo ngành Điện lực phối hợp với các địa phương giải quyết các vướng mắc, khó khăn cụ thể. Riêng về việc giải phóng mặt bằng đã bàn giao cho ngành Điện, cần tuyên truyền cho người dân hiểu đã bố trí nguồn nhưng hồ sơ về chuyển đổi đất rừng chưa thực hiện xong. Đồng thời, cần xem xét lại việc phụ tải sau khi cải tạo nâng cấp làm nguồn điện yếu hơn.

Về sản phẩm OCOP, Nghệ An có số lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn và chất lượng OCOP nhất nước, tuy nhiên các sản phẩm này chưa thành sản phẩm hàng hóa vì hiện chưa duy trì được nguồn nguyên vật liệu cấu thành sản phẩm đáp ứng được thường xuyên, liên tục, đồng thời, còn phụ thuộc vào khả năng tiêu thụ của khách hàng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh trả lời các câu hỏi cuả đại biểu.

Về thu hút đầu tư, nguồn nhân lực cao, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 30.300 người lao động - hoàn thành kế hoạch đề ra. Về nhân lực chất lượng cao, hiện Trường Cao đẳng KTCN Việt - Hàn có đào tạo nhưng doanh nghiệp chưa giữ lại được, rất khó để giữ được nguồn nhân lực lao động tại chỗ.

Đối với việc thu hút xây dựng nhà máy may, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, tại một số huyện miền núi nếu thu hút nhà máy may thì nguồn nhân lực cũng không đáp ứng được nên cần nghiên cứu kỹ về nội dung này. Còn về tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh, theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết đây là nội dung khó, có nhiều tiêu chí cứng, sẽ tiếp thu nội dung này.

Nhân dịp này, UBND tỉnh xin trân trọng cảm ơn HĐND tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã luôn tạo điều kiện tốt nhất đối với các nội dung theo đề nghị của UBND tỉnh trong thời gian qua và mong muốn rằng, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm để tỉnh phát triển đúng mục tiêu đề ra.

Đặng Thị Yến