Hậu Giang: Thực hiện đột phá chiến lược thời kỳ mới
16:01 - 12/12/2023
Quang cảnh Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hậu Giang
Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Lưu Quang – Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Lê Minh Hoan – Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đồng chí Cao Huy – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Đồng chí Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đồng chí Trần Văn Huyến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đồng chí Đồng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đại diện lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương, địa phương và các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL; Đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước,…
Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Hội đồng thẩm định Trung ương đánh giá thực hiện chặt chẽ, bài bản, khoa học, bám sát thực tiễn với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, kỳ vọng tạo ra động lực tăng trưởng mới.
Đồng chí Trần Lưu Quang – Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tại buổi Hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang – Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hậu Giang cần tuân thủ thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, linh hoạt cũng như bám sát định hướng phát triển trong Quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Chưa bao giờ cơ hội đến với Hậu Giang lớn như hiện nay, cơ sở hạ tầng mà đặc biệt là có 2 tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh, không phải địa phương nào cũng có được, cần chú trọng việc thực hiện liên kết vùng, đặc biệt là đầu tư hạ tầng giao thông và có đội ngũ cán bộ đã tiếp nối được truyền thống, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm”.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng Hậu Giang vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, đó là “tiền ít, mong muốn nhiều và nhu cầu cao”, trong khi quy định, thủ tục hiện hành còn chồng chéo, còn chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.
Đồng chí Đồng Văn Thanh- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tỉnh Hậu Giang
Về công bố quyết định quy hoạch tại Hội nghị, đồng chí Đồng Văn Thanh- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: “Mục tiêu đến năm 2030: Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2050: Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long; các lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 8,7%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 150 triệu đồng/năm. Tỉ trọng GRDP của khu vực nông, lâm, thuỷ sản khoảng 14%, khu vực công nghiệp – xây dựng khoảng 40%; Khu vực dịch vụ khoảng 38%; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân 15%/năm; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 – 2030 đạt khoảng 330 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đầu tư chiếm 39,5% GRDP.
Tỷ lệ đô thị hoá khoảng 37%; 100% đô thị loại V trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt trên 16%; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt 8 m2; Hạ tầng các khu đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Phó thủ tướng - Trần Lưu Quang và Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang Trao Quyết định cho thuê đất; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; biên bản ghi nhớ; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các nhà đầu tư
Theo quy hoạch được duyệt, Hậu Giang sẽ thực hiện 5 đột phát chiến lược gồm: Một trung tâm (Một Tâm): Phát triển huyện Châu Thành trở thành trung tâm công nghiệp và đô thị của tỉnh. Hai tuyến hành lang kinh tế động lực (Hai Tuyến): Phát triển 2 hành lang kinh tế động lực là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP. Hồ Chí Minh và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu. Hình thành hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh. Ba trung tâm đô thị (Ba Thành): Phát triển nâng tầm các trung tâm đô thị của tỉnh, gồm: Thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ; trong đó, thành phố Vị Thanh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Bốn trụ cột kinh tế (Bốn Trụ): Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng. Năm nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ các lĩnh vực; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Hậu Giang có phương hướng phát triển các ngành trọng điểm, phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh, hình thành hệ thống các khu, cụm công nghiệp tập trung, hiện đại, quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư các ngành: Công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp năng lượng, công nghiệp hỗ trợ; dược, mỹ phẩm; chế biến nông sản; logistics.
Đồng thời, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực: cây ăn trái - lúa - thủy sản. Hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái, chăn nuôi tập trung, công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, miệt vườn, sông nước.
Phát triển thuỷ sản với sản phẩm chủ lực là cá tra, cá thát lát, lươn; gắn chế biến với mở rộng thị trường; khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi. Phát triển lâm nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế rừng sản xuất kết hợp với phát triển du lịch. Hậu Giang phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ, du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, hiện đại, có giá trị gia tăng lớn; trở thành tỉnh có ngành thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển khá của vùng ĐBSCL.
Hậu Giang mở rộng, nâng cấp các đô thị, phát triển đô thị khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định gắn với công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, theo tiêu chuẩn đô thị xanh, thông minh, giàu bản sắc và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch tỉnh Hậu Giang cũng đã xác định các phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và phương án phát triển các ngành, lĩnh vực; xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược từ đó đưa ra các khuyến nghị bảo vệ môi trường; cơ chế chính sách, giải pháp huy động và bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng của quy hoạch, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong quá trình thực hiện Quy hoạch.
Đồng chí Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tiếp thu tại Hội nghị
Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Hậu Giang, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những dấu ấn và động lực mới xây dựng tỉnh Hậu Giang ngày càng phát triển với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng ĐBSCL, có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại. Xây dựng tỉnh Hậu Giang phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Nguồn: Hậu Giang: Thực hiện đột phá chiến lược thời kỳ mới (opensky.com.vn)