Hà Nội có thể hụt thu hơn 16 nghìn tỷ đồng vì dịch Covid-19

Hà Nội có thể hụt thu hơn 16 nghìn tỷ đồng vì dịch Covid-19

08:34 - 02/06/2020

Hơn 3.000 hộ kinh doanh giải thể, ngừng hoạt động trong hai tháng đầu năm, nhất là tháng 2/2020 khiến số thu ngân sách bị ảnh hưởng.

Hơn 3.000 hộ kinh doanh giải thể, ngừng hoạt động trong hai tháng đầu năm, nhất là tháng 2/2020 khiến số thu ngân sách bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa

Hơn 3.000 hộ giải thế, ngừng kinh doanh

Theo số liệu từ Cục Thuế Hà Nội, trong số 184.399 hộ kinh doanh mà Cục đang quản lý, trong hai tháng đầu năm đã có 2.601 hộ kinh doanh giải thể, bỏ kinh doanh (tăng 22,2% so với cùng kỳ) và có 6.409 trường hợp tạm nghỉ kinh doanh (tăng 37,8% so với cùng kỳ).

Riêng do tác động trực tiếp của dịch virus Corona mới (Covid-19) và tác động của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã có trên 1.089 đơn vị giải thể bỏ kinh doanh và 2.351 hộ kinh doanh tạm nghỉ kinh doanh.

Cục thuế Hà Nội cũng cho biết, trên cơ sở thống kê đối với nhóm hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn (hộ có doanh số lớn), nếu tháng 1/2020 có 13.826 hộ kinh doanh có phát sinh hóa đơn (tăng 3% so với cùng kỳ) với mức tăng doanh thu 5%, thuế phải nộp tăng 4,9% so với cùng kỳ thì sang tháng 2/2020 chỉ còn 4.281 hộ kinh doanh phát sinh hóa đơn, giảm 57,4% so với cùng kỳ dẫn đến giảm 53,1% doanh thu, giảm 50,7% số thuế phải nộp so với cùng kỳ.

Các đối tượng giảm này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống, kinh doanh các mặt hàng có liên quan đến thị trường hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc.

Ngân sách có thể hụt thu hơn 18,5 nghìn tỷ

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh nói trên, Cục Thuế Hà Nội cho rằng, số thu năm 2020 của Hà Nội có thể bị suy giảm so với dự toán năm 2020. Cục Thuế cũng đưa ra 4 kịch bản giảm số thu tương ứng với 4 kịch bản diễn biến dịch.

Nếu dịch Covid-19 kết thúc trong quý I/2020, Hà Nội giảm khoảng 1,82% - 2,33% số thu nội địa (không bao gồm các khoản thu từ đất), tương đương giảm 4.200 - 5.400 tỷ đồng.

Nếu dịch Covid-19 kết thúc trong quý II/2020, dự kiến giảm khoảng 2,85%-4,06% số thu nội địa, tương đương giảm khoảng 6.600-9.400 tỷ đồng.

Nếu dịch Covid-19 kết thúc trong quý III/2020, dự kiến giảm số thu giảm khoảng 4,67%-5,49% số thu nội địa, tương đương giảm khoảng 10.800 - 12.700 tỷ đồng.

Nếu dịch Covid-19 kéo dài sang quý IV/2020, dự kiến giảm số thu giảm khoảng 6,48 - 7,17% số thu nội địa, tương đương giảm khoảng 15.000-16.600 tỷ đồng.

Như vậy, nếu tính cả tác động giảm thu ngân sách nhà nước do áp dụng các quy định mới nhằm hạn chế đồ uống có cồn khi tham gia giao thông (Nghị định số 100/2019/NĐ-CP), mức dự kiến giảm thu khoảng 2.080 tỷ đồng và tổng thể số thu ngân sách nhà nước năm 2020 của Hà Nội có thể bị suy giảm từ 6.280-7.480 tỷ đồng (kịch bản 1) đến 8.680-11.480 tỷ đồng (kịch bản 2) hoặc 12.880-14.780 tỷ đồng (kịch bản 3) và tối đa khoảng 17.080-18.680 tỷ đồng (kịch bản 4).

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nói chung và các hộ kinh doanh nói riêng, trong cuộc họp với lãnh đạo UBND TP Hà Nội vừa qua, Cục Thuế Hà Nội kiến đã nghị TP xem xét chỉ đạo tăng cường khai thác tăng thu các khoản thu về đất, Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Thu hút đầu tư, đặc biệt thực hiện quyết liệt các giải pháp kích cầu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, triển khai các dự án đầu tư công quan trọng, qua đó tạo cơ sở thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách bền vững.

Cục Thuế Hà Nội cũng cho biết sẽ nỗ lực kiểm soát, đảm bảo không xảy ra việc lợi dụng dịch Covid-19 và các chính sách tháo gỡ khó khăn để trục lợi, gây thất thu ngân sách, đồng thời đề ra các giải pháp khai thác tăng thu qua công tác quản lý thuế, góp phần bù đắp các khoản hụt thu như các kịch bản nêu trên.

74% doanh nghiệp có khả năng giải thể

Theo khảo sát nhanh của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) trong hai ngày 2-3/3/2020 trên cả nước, dịch bệnh Covid-19 tác động rất nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của các DN. Nếu dịch kéo dài tới 6 tháng, hơn 60% DN giảm 50% doanh thu; Gần 29% DN giảm 20-50% doanh thu; Có 1,8% số DN nhận được tác động tích cực của dịch bệnh lên doanh thu (những DN sản xuất nguyên liệu, vật tư trong nước).

Nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng thì gần 74% số DN có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương cho người lao động, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, chi phí thuê mặt bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các chi phí khác.

Theo baogiaothong.vn