Bà Nguyễn Thị Diệu, trú tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai (là vợ ông Nguyễn Phan Biên đã chết năm 2021) phản ánh, năm 1992, gia đình được Lâm trường Hiếu Liêm ký hợp đồng giao nhận rừng và đất lâm nghiệp để sản xuất kinh doanh nghề rừng, thuộc lô H.123 với diện tích 13.208m2 do ông Võ Lương Đống, Giám đốc Lâm trường Hiếu Liêm đại diện bên A ký và đại diện các cơ quan có thẩm quyền cùng ký xác nhận hợp đồng giao khoán đất.

Sau khi nhận phần đất giao khoán chưa được bao lâu thì bị gia đình bà Lê Thị G. (trú tại ấp 1, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) chiếm đoạt và sử dụng gần 20 năm nay. Mặc dù các cấp chính quyền địa phương đã bác đơn bà G. và khẳng định không có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thửa đất thế nhưng cá nhân này vẫn ngang nhiên chiếm đoạt.

Theo đó, năm 1992, Sở Lâm nghiệp tỉnh Đồng Nai, Lâm trường Mã Đà giao đất trống để trồng rừng, chăm sóc, nuôi dưỡng bảo vệ và thu sản phẩm với diện tích hơn 1,3ha. Loại cây được giao trồng chủ yếu là bạch đàn. Giống, vật tư, nguyên liệu tự túc 100% và trong hợp đồng không có thời hạn giao đất, thời gian sử dụng đất.

Vị trí đất hiện là số 65, 66, 67, tờ bản đồ số 28 thuộc xã Hiếu Liêm và thửa 13, tờ bản đồ số 83, thuộc xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu.

Văn bản trả lời của UBND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NN

Bà Diệu cho biết, gần 20 năm nay, gia đình điêu đứng bởi đất được giao khoán nhưng không được sử dụng trong khi thuế phí hàng năm vẫn phải đóng nộp cho Nhà nước. Đỉnh điểm, năm 2005 khi ông Biên tiến hành khai thác, thu hoạch rừng trồng thì bị gia đình bà G. ngăn cản, từ đó đến nay thửa đất này bị chiếm đoạt trắng trợn. Một phần thửa đất đã được gia đình bà G. dựng nhiều nhà tôn, hàng rào kiên cố.

“Mặc dù được Nhà nước giao khoán đất trồng rừng và có hồ sơ pháp lý đầy đủ, thế nhưng gia đình tôi không được sản xuất, thậm chí không được đặt chân đến thửa đất vì đất đã bị gia đình bà Lê Thị G. chiếm đoạt 20 năm nay. Đặc biệt, gần đây những đối tượng lấn chiếm còn ngang nhiên xây dựng nhiều hạng mục công trình như một khu du lịch”, bà Diệu bức xúc.

Sự việc bắt đầu từ năm 2002, bà Lê Thị G. bỗng nhiên làm đơn khiếu nại đến UBND huyện Vĩnh Cửu về thửa đất này đối với ông Nguyễn Thanh Huê, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh An. Bà G. cho rằng ông Huê thu hồi đất của gia đình bà nói là giao cho Quân khu 7 sản xuất nhưng thực chất đem chuyển nhượng cho người khác.

Sau đó được UBND huyện Vĩnh Cửu xác minh và nhiều lần trả lời đơn của bà G. không đủ điều kiện để thụ lý giải quyết do bà không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến thửa đất. Đề nghị bà G. không nên có đơn khiếu nại về nội dung nêu trên khi chưa có căn cứ pháp lý.

Thế nhưng, bà G. vẫn tiếp tục gửi đơn đến UBND tỉnh Đồng Nai, sau đó UBND tỉnh Đồng Nai có Công văn 1663/CV-UBT ngày 30/3/2004 trả lời, do bà G. không cung cấp được chứng cứ pháp lý, các giấy tờ chứng minh bà bị thu hồi đất, cũng như chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp về đất đai bị xâm phạm, nên trường hợp khiếu nại của bà không được thụ lý giải quyết.

Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản phản hồi, đồng thời đề nghị bà không nên có đơn khiếu nại về nội dung trên khi không có căn pháp lý, thế nhưng vợ chồng ông Th., bà G. vẫn ngang nhiên chiếm đoạt phần đất trên của ông Biên và tiến hành trồng cây điều, xà cừ và xây dựng nhiều hạng mục công trình.

Xác minh về nguồn gốc đất, UBND xã Hiếu Liêm thông tin, lô đất H.123 tiểu khu 138 thuộc diện tích đã được UBND tỉnh giao cho Lâm trường Mã Đà quản lý theo Quyết định 515/QĐ.UBT ngày 14/6/1997.

Đến năm 1981 thành lập Lâm trường Hiếu Liêm, diện tích này thuộc địa phận quản lý của nông trường.

Năm 1993 Lâm trường Hiếu Liêm đã giao khoán cho chồng bà Diệu là ông Nguyễn Phan Biên trồng rừng.

Hợp đồng giao nhận rừng và đất lâm nghiệp của Sở Nông nghiệp và ông Nguyễn Phan Biên. Ảnh: NN

Liên quan đến vụ việc, trước đó, ngày 8/10/2002, Lâm trường Hiếu Liêm có Công văn 114/LTHL gửi UBND huyện Vĩnh Cửu khẳng định: Kết quả làm việc trực tiếp với bà Lê Thị G., Lâm trường xác minh nhận thấy, bà Lê Thị G. không có bất cứ một giấy tờ nào chứng minh bà được phép sử dụng diện tích nêu trong đơn.

“Nguồn gốc lô đất thuộc tổng diện tích rừng và đất rừng do UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai giao lại cho Lâm trường Hiếu Liêm quản lý sau khi công trình Thủy điện Trị An hoàn thành. Hiện lô rừng này do ông Nguyễn Phan Biên là chủ hợp đồng nhận khoán trồng rừng, đã lập đầy đủ thủ tục theo quy định. Sự việc tranh chấp giữa bà Lê Thị G. với ông Nguyễn Thanh Huê, Lâm trường Hiếu Liêm không có cơ sở giải quyết”, Lâm trường Hiếu Liêm trả lời.

Tại Báo cáo kết quả xác minh hòa giải số 41 ngày 12/8/2010, UBND xã Hiếu Liêm cũng đã khẳng định: Gia đình bà Lê Thị G. đã chiếm đoạt phần đất trên của ông Biên trồng cây điều và xà cừ. Đề nghị buộc bà Lê Thị G. và ông P.T.Th. giao trả lại đất cho gia đình ông Biên và bà Diệu; ông Biên hỗ trợ cho bà G. cây trồng trên đất là cây điều 3 năm tuổi.

Trả lời về vụ việc, ông Trần Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm cho biết: Vụ việc gia đình ông Biên, bà Diệu đã xảy ra tranh chấp nhiều năm nay với ông Th., bà G., UBND xã đã mời 2 bên lên để đối chất, giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, bên nào cũng nói mình có lý nên UBND xã đã hướng dẫn họ ra tòa để giải quyết tranh chấp.

“Tôi cũng mới về xã Hiếu Liêm, tại xã đã từng xảy ra hàng chục vụ tranh chấp đất đai kiểu này, đến nay nhiều vụ đã được giải quyết khi 2 bên được hòa giải tại xã, còn nhiều vụ chưa thấy ổn thỏa nên họ tiếp tục khiếu nại, tranh chấp. Chúng tôi cũng bất lực”, ông Tâm cho hay.

Sự việc bà G. khiếu nại đã được cơ quan liên quan khẳng định bà không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, thửa đất khiếu nại thuộc quyền sở hữu của gia đình bà Diệu. Rõ ràng đây là hành vi cố tình chiếm đoạt đất đai người khác. Vậy vì lý do gì chính quyền UBND xã Hiếu Liêm không vào cuộc giải quyết dứt điểm mà để xẩy ra tình trạng tranh chấp, khiếu kiện kéo dài suốt 20 năm qua, khiến an ninh, trật tự, niềm tin của người dân bị ảnh hưởng?.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!.

Nguồn: Đồng Nai: Ngang nhiên chiếm đất người khác gần 20 năm, chính quyền có buông lỏng quản lý? (thanhtra.com.vn)