Cộng đồng Doanh nghiệp trình Thủ tướng chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm”
09:37 - 18/09/2021
Thời gian vừa qua việc áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Nghị quyết 86 cộng với một số biện pháp tăng cường của nhiều địa phương gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động của các Doanh nghiệp trên cả nước. Sau khi thống nhất, 14 hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho Cộng đồng doanh nghiệp cả nước cùng ký đơn trình lên Thủ tướng Chính phủ với nội dung đề xuất chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm” lên Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới gồm các nội dung chính như sau:
Về vấn đề đồng bộ trong công tác quản lý trên toàn quốc: Đề xuất áp dụng đồng bộ việc phân loại thẻ xanh, thẻ vàng giúp việc lưu thông được thuận lợi hơn. Thống nhất 01 phần mềm chung về việc khai báo y tế trên toàn quốc. Chấp thuận các các văn bản scan thay cho văn bản gốc trong thời gian việc lưu thông chưa được thuận lợi. Hỗ trợ người lao động trở lại làm việc hoặc về quê theo đúng nguyện vọng với điều kiện đáp ứng các tiêu chí phòng chống dịch.
Về vấn đề quả lý dịch bệnh theo điểm: Không áp dụng phong toả, cách ly theo vùng địa lý, quản lý mà quản lý theo Điểm.
Lấy Tổ dân phố, Tổ Covid cộng đồng làm nòng cốt phòng chống dịch tại các Điểm dân cư.
Các tổ chức, DN chủ động sắp xếp số lao động tham gia làm việc tại các Điểm.
Trong đó “Điểm” được hiểu như sau:
- Điểm dân cư: Căn nhà, căn hộ hoặc khu dân cư nhỏ nhất theo quy định của
BYT khi sửa đổi thay thế QĐ 2686/QĐ-BCĐQG.
- Điểm dịch vụ: Cơ quan, văn phòng, chợ, siêu thị, hộ và cá nhân KD dịch vụ.
- Điểm sản xuất: Hộ gia đình, HTX, DN dịch vụ, nhà máy, công trình, bến cảng.
- Các điểm có F0 là điểm đỏ.
Về vấn đề phòng chống dịch tại nơi sản xuất: Khi có F0: Khoanh vùng, tách F0, F1, chủ động phương án cách ly, điều trị, khôi phục sản xuất ngay trong ngày đồng thời thông báo Y tế địa phương.
Một năm đầy khó khăn, thử thách với Doanh nghiệp VN
Về vấn đề phòng chống dịch tại khu dân cư: Chỉ cách ly căn hộ có F0. Căn hộ khác trong toà nhà nếu xét nghiệm âm tính thì không phải cách ly. Cách ly cả tầng nếu có hai căn hộ trở lên có F0 trong cùng một tầng. Chỉ cách ly căn nhà có F0. Nếu có trên 5 căn nhà cùng có F0 mới cách ly cả ngõ, cả phố.
Về vấn đề phòng chống dịch trong giao thông vận tải: Bãi bỏ các hạn chế về vận tải hàng hóa giữa các vùng. Chỉ kiểm tra tại điểm đầu và điểm đến. Nếu đến từ các vùng có dịch, tuân thủ quy tắc 5K + xét nghiệm âm tính trong 72 giờ + nguyên tắc “bong bóng” (không tiếp xúc). Các vùng khác chỉ cần áp dụng nguyên tắc 5K.
Về vấn đề chi phí:
Dùng ngân sách Nhà nước chi trả các chi phí cho các cá nhân chưa có bảo hiểm Y tế.
Bảo hiểm Y tế chi trả các chi phí cho các cá nhân đóng bảo hiểm.
Các bệnh viện, tổ chức y tế tư nhân được phép thu phí XN và điều trị.
Chi phí xét nghiệm và phòng chống dịch của các tổ chức, DN được khấu trừ vào chi phí doanh nghiệp hoặc kinh phí Công đoàn, phí bảo hiểm xã hội.
Về vấn đề hỗ trợ phụ hồi kinh tế: Đề xuất hỗ trợ đối với các các nhân, hộ kinh doanh, DN vừa và nhỏ: Cho phép cộng lãi suất ngân hàng vào dư nợ gốc trong 24 tháng. Gia hạn nợ 12 tháng đối với dư nợ ngắn hạn, 24 tháng đối với nợ trung, dài hạn.
14 Hiệp hội doanh nghiệp đại diện ký tên là các Hiệp hội tiêu biểu cho các ngành nghề trọng điểm và đang chịu ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch này gồm các đơn vị sau:
- Hiệp hội Thực phẩm minh bạch.
- Hiệp hội da giày, túi xách VN.
- Hiệp hội Dệt may VN.
- Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN.
- Hội Mỹ nghệ và chế biến Gỗ TP HCM.
- Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản VN.
- Hiệp hội Giấy và Bột giấy VN.
- Hiệp hội Nhựa VN.
- Hội Lương thực thực phẩm TP HCM.
- Hiệp hội Sữa VN.
- Hiệp hội DN Nhật Bản tại VN.
- Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát VN.
- Hiệp hội DN Điện tử VN.
- Hội DN hàng VN chất lượng cao.
Trần Đệ/Opensky