Công chức ngành văn hóa Huế mặc áo dài: Hình ảnh đẹp, sao phải phản đối

Công chức ngành văn hóa Huế mặc áo dài: Hình ảnh đẹp, sao phải phản đối

21:14 - 09/09/2020

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam ủng hộ dự án này của Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế vì cho rằng nó tạo nên hình ảnh rất đẹp và lạ, thu hút khách du lịch.

Sở Văn hóa - Thể thao Thừa Thiên - Huế là cơ quan nhà nước đầu tiên triển khai việc nam cán bộ, công chức mặc áo dài đến công sở (Ảnh: P.T.H)

Mới đây, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, bắt đầu từ tháng 9, cán bộ, công chức của Sở sẽ mặc áo dài truyền thống khi đến cơ quan làm việc. Trong đó, các nam cán bộ, công chức mặc áo dài ngũ thân, đội khăn đóng. Quy định này áp dụng vào ngày thứ Hai đầu mỗi tháng. Đây là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung toàn cơ quan.

Hiện tại, dự án đang thí điểm, lấy ý kiến dư luận để triển khai nhưng lại đang gây tranh cãi. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, không ít người cho rằng, việc mặc áo dài đến môi trường công sở đi làm là không phù hợp, bất tiện. Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với Nhà thiết kế (NTK) Đỗ Trịnh Hoài Nam – Chủ tịch CLB Áo dài Việt Nam xoay quanh chủ đề này.

Quan điểm của anh thế nào trước dự án thí điểm này?

Tôi hoàn toàn ủng hộ Sở VH-TT của Huế trong dự án này. Chỉ có một số cá nhân vì mục đích cá nhân mới phản đối. Huế là một địa danh nổi tiếng về du lịch. Cứ hình dung buổi sáng mọi người đi làm trong những tà áo dài, dù nam hay nữ đều tạo nên hình ảnh rất đẹp và lạ, thu hút khách du lịch. Huế là vùng đất có nguồn thu chủ yếu là từ du lịch, nếu ai cũng ý thức được việc đó thì nguồn thu từ du lịch sẽ rất lớn.

Mọi người nói vướng víu, bất tiện, tất cả chỉ là lý do. Đến đội mũ bảo hiểm bảo vệ cho tính mạng của mình, nhiều người còn đặt ra lý do thì chuyện vì không muốn mặc áo dài mà đưa ra hàng tá lý do cũng dễ hiểu. Nhưng nếu họ nhìn ở góc độ người quản lý thì sẽ khác.

Huế đã đi vào thơ ca với hình ảnh những nữ sinh mặc áo dài và nó đã tạo thành một thương hiệu. Có thể đúng là ban đầu một số người thấy khó chịu khi mặc, nhưng nếu xét về kinh tế, mọi người có muốn thương hiệu Huế đi lên hay không? Đây là điều chúng ta phải đóng góp cho quốc gia, đất nước chứ đừng chỉ tìm cách viện cớ, lý do nọ kia.

Nhà thiết kế áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam

Có ý kiến cho rằng, chiếc áo dài ngũ thân của nam giới là không hiện đại, không phù hợp với môi trường công sở. Anh nghĩ sao?

Đúng là cũng nên cải tiến hình ảnh áo dài. Bây giờ là thế kỷ 21 rồi, không thể nào lấy những bộ áo dài mà các cụ ngày xưa mặc để đi làm được. Những bộ đó chỉ phù hợp với các lễ hội, sự kiện văn hóa. Tôi nghĩ đây lại là bài toán dành cho Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế. Sở có thể gặp những nhà văn hóa hay nhà thiết kế để cải tiến cho phù hợp với không gian hiện đại ngày nay.

Bản thân tôi là NTK áo dài, tôi sẵn sàng cho ra những thiết kế lấy ý tưởng từ áo dài ngũ thân nhưng hiện đại hơn để tặng TP Huế, để họ có thể có thực hiện dự án này và có những bộ áo dài văn minh, tiện dụng và hiện đại, để mọi người không phải lý do gì nữa.

Hình ảnh các cán bộ, công chức của Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc áo dài ngũ thân (Ảnh: P.T.H)

Nhưng anh có thấy việc mặc áo dài ngũ thân, khăn đóng bất tiện khi làm việc tại công sở?

Bên Ấn Độ, nam giới vẫn mặc áo dài suốt. Áo đó mặc còn khó chịu hơn. Vả lại, mặc một ngày trong một tháng thôi, có gì không làm được mà phải căng thẳng thế? Tôi tin nếu Huế làm được dự án này thì sẽ tạo nên một hình ảnh vô cùng đẹp, những bức ảnh để đời có thể không chỉ xuất hiện trên báo chí Việt Nam mà cả quốc tế.

Áo dài nữ đã thành quốc phục thì áo dài nam cũng vậy. Cả nam và nữ đều mặc áo dài sẽ mang lại những giá trị mà nhiều người đang chưa nhận ra. Khi tôi mang áo dài ra nước ngoài, nhiều người dù không biết tiếng Việt nhưng vẫn có thể gọi tên áo dài Việt Nam. Đó là những điều mình phải nhận ra, đó là thương hiệu.

Nếu chỉ mình Huế làm dự án này, anh nghĩ khả năng lan tỏa sẽ như thế nào?

Huế là cái nôi về văn hóa, có nhiều lễ hội trình diễn áo dài và người dân Huế cũng rất yêu truyền thống, văn hóa. Nếu Huế quyết tâm làm được, khiến du lịch khởi sắc và hình ảnh lan tỏa thì đời sống người dân cũng sẽ khác. Từ đó cũng sẽ có nhiều giá trị khác dành cho Huế. Ngoài ra, dự án này được làm chỉn chu thì sẽ là điểm nhấn để lan tỏa.

Quan trọng hơn nữa là Huế đang bảo vệ văn hóa và đây là việc cực kỳ quan trọng. Nếu chúng ta không có kế hoạch sớm, sẽ xảy ra tình trạng bị nước ngoài xâm lăng văn hóa. Trung Quốc đã lấy hình ảnh áo dài của Việt Nam và nói đó là sáng tạo áo truyền thống của họ, các bạn có khó chịu không? Chúng ta không tính trước những việc này sẽ là điều vô cùng nguy hiểm.

Cảm ơn anh!

https://www.baogiaothong.vn/cong-chuc-nganh-van-hoa-hue-mac-ao-dai-hinh-anh-dep-sao-phai-phan-doi-d478777.html