Cảnh báo tình trạng tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép

Cảnh báo tình trạng tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép

17:46 - 16/03/2024

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện, ngăn chặn và đưa ra xét xử nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm vượt biên trái phép và tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

“Núp bóng” công ty du lịch, du học

Theo các chuyên gia pháp lý, việc đi nước ngoài, trở về Việt Nam thì phải thực hiện theo thủ tục xuất nhập cảnh, có sự quản lý của nhà nước nhằm quản lý dân cư, đảm bảo an ninh quốc gia.

Những người tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép thì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Đây là hành vi phạm tội, sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 349 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Mặc dù các cơ quan chức năng liên tiếp vào cuộc, tuyên truyền vận động người dân chấp hành pháp luật, ngăn chặn, tố giác các hoạt động vượt biên, xuất nhập cảnh trái phép.

Tuy nhiên, mới chỉ cách đây vài ngày, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Đỗ Trọng Anh, GĐ Công ty CP TMDL quốc tế Hoàng Anh về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Cùng tội danh bị truy tố, còn có các bị can Vũ Thị Phương (trú tại Thái Bình); Hoàng Thị Phương; Trần Thị Chiến; Nguyễn Thị Hằng; Võ Công Sơn (cùng trú tại Nghệ An).

Cảnh báo tình trạng tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép
Đỗ Trọng Anh (giữa) bị khởi tố về tội Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài (Ảnh: Báo Công an nhân dân).

Quá trình phá án, lực lượng chức năng xác định có 6 đối tượng đã tổ chức cho 30 công dân ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa, Hưng Yên, Quảng Ninh, Quảng Bình, TP Hà Nội trốn đi Hàn Quốc lao động trái phép.

Thủ đoạn của các đối tượng là đưa người từ Việt Nam sang Trung Quốc bằng hình thức du lịch. Sau đó vượt biên trái phép bằng thuyền từ Trung Quốc sang Hàn Quốc với chi phí 13.000 USD.

Với những công dân có nhu cầu đi Hàn Quốc lao động sẽ phải hoàn thiện với hồ sơ gồm: hộ chiếu, căn cước công dân, ảnh; chi phí khoảng từ 15.000 đến 20.000 USD/người, đặt cọc 20 triệu đồng; trước khi xuất cảnh sang Trung Quốc thì nộp 50 triệu đồng đến 450 triệu đồng.

Trước đó, một sự việc rúng động xảy ra vào năm 2019, đó là vụ việc 39 người Việt đều bị tử vong trong container đông lạnh khi nhập cảnh vào Anh.

Theo TTXVN, tòa án Pháp cũng tuyên án tù lên đến 10 năm đối với các bị cáo liên quan đến vụ việc. 19 bị cáo trong phiên tòa xét xử ở Pháp bao gồm 8 người Việt Nam, bên cạnh các bị cáo người Pháp, Trung Quốc, Algeria và Morocco.

Trả giá

Trước tình trạng lao động xuất cảnh trái phép rồi trốn lại ở nước ngoài hoặc đi làm lao động "chui" có nhiều diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng các địa phương đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp ngăn ngừa.

Đồng thời vào cuộc điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cảnh báo tình trạng tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép

Cảnh sát tại hiện trường phát hiện 39 thi thể trong container ở Anh - Ảnh: REUTERS (Theo báo Tuổi trẻ).

Trở lại với vụ việc 39 người Việt tử vong trong container đông lạnh ở Anh, ngày 14/9/2019, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án đưa Phạm Thị T.M. sang Vương quốc Anh lao động - một trong những nạn nhân.

Các bị cáo bị truy tố về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”. Tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt 7 bị cáo có liên quan theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, các cơ quan tố tụng trên cả nước đã đưa ra xét xử nhiều vụ án có hành vi tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài như tại Gia Lai, Hải Dương, Bắc Kạn…

Trong diễn biến khác, ngày 18/3 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử đối với các bị can Phạm Thị Hà (SN 1982), GĐ Công ty TNHH tư vấn du học và Lữ hành quốc tế Edu Global, Nguyễn Hữu Ninh (SN 1969) trú tại Hoàng Mai, Hà Nội, Lê Thanh Tuyên (SN 1973), trú tại Quảng Bình và Vũ Thị Lan (SN 1974) trú tại Nghệ An.

Riêng bị can Phạm Thị Hà bị truy tố về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo quy định tại điểm đ, khoản 2 Điều 349 Bộ luật Hình sự.

Những bị can khác cùng tội danh nhưng truy tố theo quy định tại khoản 1, Điều 349 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, khoảng tháng 5/2022, Ninh được một người đàn ông gửi 18 bộ hồ sơ của khách có nhu cầu đi Hungari, Ba Lan lao động.

Ninh đã nhờ Tuyên nhận hồ sơ với giá thỏa thuận là .000 USD phí đi (đã bao gồm vé máy bay) và 4.000 USD phí cọc chống trốn, tổng cộng là 12.000 USD tương đương khoảng 285.000.000 đồng/khách.

Cảnh báo tình trạng tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép
Các bị cáo trong đường dây tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, ở lại nước ngoài trái phép tại Gia Lai (Ảnh: TTXVN).

Sau đó, Tuyên liên hệ nhờ Võ Nha Trang đưa 18 khách này sang Châu Âu lao động.

Sau đó Trang trao đổi với Phạm Thị Hà, được Hà giới thiệu đang có chương trình du học hè ngắn hạn tại Thụy Sỹ.

Sau khi được Trang hướng dẫn, Vũ Thị Lan đã chuyển hồ sơ, đứng tên ký hợp đồng tư vấn du học cho 18 khách với Công ty Edu Global độ tuổi từ 17-40 tuổi nhưng chỉ có 2 học sinh được duyệt tham gia khóa học trại hè.

Về chi phí cho 2 học sinh sang Thụy Sĩ, Ninh đã nhận tổng số tiền là 522.400.000 đồng từ Hùng, sau đó chuyển toàn bộ số tiền trên cho Lê Thanh Tuyên.

Tuyên chuyển cho Vũ Thị Lan đủ và Lan chuyển cho Phạm Thị Hà 477.400.000 đồng và giữ lại 45.000.000 đồng.

Phạm Thị Hà đã cung cấp dịch vụ tư vấn và sử dụng số tiền này để nộp học phí, mua vé cho khách, còn lại được hưởng số tiền đặt cọc chống trốn là 206.000.000 đồng. Nguyễn Hữu Ninh, Lê Thanh Tuyên chưa được hửng lợi, Vũ Thị Lan được hưởng lợi bất chính 10.000.000 đồng, Võ Nha Trang được hưởng lợi bất chính 35.000.000 đồng.

Bộ Công an lên tiếng cảnh báo

Trước tình hình phức tạp về tội phạm và những thủ đoạn đưa người ra nước ngoài trái phép hiện nay, Trung tướng Tô Ân Xô, Người Phát ngôn Bộ Công an cho biết, nhiều đường dây tội phạm tổ chức đưa người Việt Nam ra nước ngoài trái phép đã hình thành với sự câu kết giữa các đối tượng ở trong và ngoài nước, cả người Việt Nam và người nước ngoài.

Cảnh báo tình trạng tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép
Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an (Báo CAND).

Địa bàn hoạt động của các đường dây này rất đa dạng từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, một số nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, nhiều nước châu Âu, Mỹ, Canada... Hành trình xuất cảnh bằng cả đường bộ, đường biển và đường không.

Một trong những phương thức, thủ đoạn chủ yếu để đưa công dân Việt Nam di cư, xuất cảnh trái phép ra nước ngoài là tìm kiếm, dụ dỗ nạn nhân sang các quốc gia gần biên giới với Việt Nam (ví dụ xuất cảnh sang Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar...) để làm việc nhẹ lương cao, tổ chức cho nạn nhân xuất cảnh mà không cần chứng minh tài chính, bằng cấp, thủ tục nhanh gọn.

Sau khi công dân Việt Nam được đưa ra nước ngoài, sẽ được bố trí chỗ ăn, ở, sinh hoạt và làm việc tại các khu biệt lập, có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ, cắt liên lạc với gia đình, người thân, bị thu giữ hộ chiếu, ép buộc ký hợp đồng lao động và cưỡng bức làm việc, nếu muốn nghỉ việc sẽ phải đền bù một số tiền lớn.

Người phát ngôn Bộ Công an khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ, nâng cao nhận thức, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh; có ý thức cảnh giác, nắm và nhận diện được các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, đường dây tổ chức cho người khác xuất cảnh, di cư trái phép, mua bán người và những hậu quả, hệ lụy của việc xuất cảnh, trốn ở lại nước ngoài cư trú, lao động bất hợp pháp, không để các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo.

Nguồn: Cảnh báo tình trạng tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép (phapluatplus.vn)