Cần Thơ: Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của tổ hợp tác và hợp tác xã

Cần Thơ: Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của tổ hợp tác và hợp tác xã

07:09 - 26/02/2023

Ngày 17-2, Liên minh Hợp tác xã (LMHTX) TP. Cần Thơ tổ chức Hội nghị (HN) Tổng kết năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó CT/UBND TP. Cần Thơ, phát biểu chỉ đạo

Ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó CT/UBND TP. Cần Thơ, ông Nguyễn Minh Tâm - Bí thư Đảng ủy KCQ Dân chính Đảng, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Cần Thơ và các Sở, ngành đã dự.

Trên địa bàn TP. Cần Thơ hiện có 1.450 tổ hợp tác (THT), thu hút khoảng 52.890 hộ gia đình tham gia. Trong năm, thành lập mới 66 THT, đa số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các hoạt động của THT đã hỗ trợ cho thành viên trong sản xuất, nhất là kỹ thuật nuôi trồng; tìm kiếm doanh nghiệp (DN) tiêu thụ sản phẩm; tạo liên kết trong góp vốn, góp công. Một số THT tổ chức hoạt động dịch vụ phục vụ thành viên sản xuất hiệu quả.

Quang cảnh HN

Thành phố có 309 hợp tác xã (HTX), tổng vốn điều lệ trên 730 tỷ đồng, với 12.936 thành viên. So với cuối năm 2021, tổng vốn điều lệ tăng 36,4 tỷ đồng, thành viên tăng 328 người. Trong năm đã kết nạp mới thêm 13 HTX tham gia thành viên LM HTX thành phố, nâng tổng số thành viên là 278/309  HTX, đạt tỷ lệ 90%. Đánh giá xếp loại: Có 69 HTX xếp loại tốt (đạt 30,8%), loại khá: 61 (đạt 27,23%), loại trung bình: 37 (đạt 16,52%), có 57 HTX hoạt động yếu kém.

Theo ông Lê Minh Phương - Phó CT Liên minh HTX TP. Cần Thơ, đến nay các HTX, THT dần có sự thích ứng với điều kiện phát triển sản xuất – kinh doanh (SXKD); được sự quan tâm nhiều hơn của các ngành, các cấp, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp: “Một số HTX bước đầu tiếp cận chuyển đổi số trong hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với nhu cầu thị trường. Từng bước nâng cao năng lực hoạt động, hỗ trợ hiệu quả cho thành viên trong SXKD, mở rộng thị trường. Liên kết trong đầu tư sản xuất giữa HTX với HTX, giữa HTX với DN, với nhiều hình thức hiệu quả.” – ông Minh Phương cho biết.

Bên cạnh thành công, những tồn tại, hạn chế cơ bản của các HTX, THT là: Trình độ cán bộ quản lý, điều hành của nhiều HTX, còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc liên kết giữa HTX với DN để hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp chưa ổn định và đạt hiệu quả như mong muốn. Các HTX đang gặp những khó khăn cơ bản như: Cơ sở vật chất hạn chế, thiếu vốn đầu tư, chậm thích ứng và đổi mới kỹ thuật – công nghệ so với yêu cầu thị trường; đầu ra sản phẩm của HTX chưa ổn định. Đa số HTX, THT chưa tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tín dụng, đất đai, đặc biệt là nhu cầu vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất…

Ông Nguyễn Đức Phương – Chủ tịch LMHTX TP. Cần Thơ, trình bày phương hướng, nhiệm vụ năm 2023

Đại biểu nêu kiến nghị

Tại HN, các đại biểu đã nêu những khó khăn trong hoạt động và kiến nghị biện pháp tháo gỡ, như: Vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phục vụ SXKD. Các ngành chức năng hỗ trợ HTX đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất; bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán cho đơn vị; có chính sách hỗ trợ các HTX mở rộng hoạt động, đặc biệt là vấn đề đất đai; triển khai rộng rãi chính sách về nguồn vốn ưu đãi và các chương trình phát triển cho các HTX…

Phát biểu chỉ đạo tại HN, ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó CT/UBND TP. Cần Thơ, ghi nhận những thành quả của các HTX, THT và khẳng định vai trò quan trọng và cần thiết của mô hình HTX, THT đối với phát triển KT-XH; đồng thời chỉ ra những hạn chế của HTX trên địa bàn thành phố như: Chưa xây dựng được những mô hình HTX kiểu mới có quy mô lớn, tạo được sức lan tỏa, dẫn dắt phong trào kinh tế tập thể, HTX tại địa phương. Vai trò của Liên minh tuy được phát huy nhưng còn lúng túng trong đề xuất, tranh thủ các nguồn lực nhằm hỗ trợ HTX. Hoạt động kết nối giữa HTX với HTX, DN với HTX có chuyển biến tích cực nhưng thiếu tính ổn định. Các HTX còn hạn chế trong thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi,… Về những kiến nghị của các đại biểu, Phó CT/UBND TP. Cần Thơ chỉ đạo: “Giao Liên minh HTX và các Sở, ngành liên quan tìm hiểu và hỗ trợ các HTX khắc phục những hạn chế, khó khăn, trong đó cần mở lớp đào tạo nghiệp vụ đối với các chức danh cho HTX, THT; và giúp tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ và TP. Cần Thơ. Tôi đề nghị LMHTX, Sở NN - PTNT, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Công thương, Sở Khoa học – Công nghệ đưa tất cả những chính sách, văn bản của TP lên trang web của đơn vị và của thành phố, giúp các HTX, THT  tiếp cận chủ trương, chính sách; đồng thời tham mưu thành phố thực hiện củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo HTX, từ TP đến các quận, huyện (trong tháng 3/2023 phải hoàn thành); có kế hoạch, chương trình giúp các HTX hoạt động hiệu quả, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể trong giai đoạn mới trên địa bàn thành phố.”

Hội nghị đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó CT/UBND TP. Cần Thơ và thống nhất thông qua Nghị quyết về phương hướng năm 2023, gồm 11 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó Xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai hiệu quả Kế hoạch 185 của UBND thành phố về “Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn TP. Cần Thơ năm 2023”. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, nhằm tư vấn, hỗ trợ các HTX khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong tổ chức hoạt động; giải thể các HTX đã ngưng hoạt động,… Phấn đấu hoàn thành một số chỉ tiêu chủ yếu: Thành lập mới từ 20 HTX, 50 – 60 THT, trong đó tập trung xây dựng ít nhất 03 HTX có quy mô lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Thành viên HTX đạt 13.400 người, trong đó thành viên mới 1.000 người. Thành viên tổ hợp tác: 53.000 người, trong đó thành viên mới từ 500 -700 người. Tổng doanh thu của các HTX năm 2023: Khoảng 2.600 tỷ đồng. Doanh thu bình quân HTX/năm đạt 4,2 tỷ đồng. Trên 90 % HTX tham gia thành viên LM HTX TP. Cần Thơ. 

Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái trên cánh đồng sản xuất của xã viên, tại HTX Khiết Tâm, huyện Vĩnh Thạnh

 Đan Phượng

Nguồn: Cần Thơ: Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của tổ hợp tác và hợp tác xã (opensky.com.vn)