Bình Dương: Cẩn trọng trước nguy cơ bùng phát dịch đau mắt đỏ

Bình Dương: Cẩn trọng trước nguy cơ bùng phát dịch đau mắt đỏ

22:02 - 16/09/2023

Những ngày qua, bệnh đau mắt đỏ (ĐMĐ) có diễn biến phức tạp trên địa bàn Bình Dương. Tại nhiều điểm trường, hàng loạt học sinh nghỉ học liên tiếp nhiều ngày do mắc phải căn bệnh này. Người dân cần tìm hiểu hướng phòng và điều trị bệnh đúng cách, tránh lây lan. 

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 2.300 ca bệnh ĐMĐ, tăng 58% so với năm 2022. Đáng chú ý, những ngày gần đây, số ca bệnh ĐMĐ tăng nhanh đột biến. Trong đó, phần lớn các trường hợp mắc bệnh tập trung vào đối tượng chủ yếu là trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, học sinh cấp 1, cấp 2 vì trẻ tiếp xúc gần với các học sinh bị ĐMĐ nhưng không cách lý, điều trị kịp thời.

Bênh ĐMĐ lây lan đến cả trẻ nhỏ và người lớn.

Hiện nay tại nhiều địa phương, bệnh ĐMĐ đang lan rộng đến các công sở, cơ quan, xí nghiệp,... Số lượng người lớn mắc đến khám, tư vấn chữa bệnh về ĐMĐ tại các cơ sở y tế cũng tăng cao. Bệnh ĐMĐ có nguy cơ bùng phát thành dịch rất cao.

Cô Lê Thị Kim Thúy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Hòa 3 (Phường Phú Hòa, Tp. Thủ Dầu Một) cho biết hiện nay tình trạng bệnh ĐMĐ đang lây lan khá nhanh trong học sinh nhà trường, nhất là trong vài ngày trở lại đây. Hằng ngày nhà trường đều tổ chức tổng hợp số lượng học sinh mắc phải bệnh ĐMĐ để báo cáo về cấp trên. Nhà trường đang tăng cường tuyên truyền cho các em học sinh về cách phòng ngừa đối với bệnh ĐMĐ thông qua việc phổ biến đến giáo viên chủ nhiệm từng lớp để phổ biến cho từng em học sinh. Đồng thời, nhà trường đưa các nội dung phòng bệnh ĐMĐ đến các phụ huynh học sinh để tuyên truyền thêm cho các em tại nhà. Riêng đối với các học sinh đang bị ĐMĐ nhà trường khuyến khích nghỉ học tạm thời để ở nhà nhằm hạn chế sự lây lan.   

Bác sĩ CKII về Mắt - Hoàng Thị Kiều Hậu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết trong những ngày gần đây, Khoa Mắt tiếp nhận nhiều bệnh nhân ĐMĐ đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong đó, đối tượng chủ yếu là các trẻ nhỏ và các em học sinh. Bệnh ĐMĐ năm nay diễn biến rất nhanh, phạm vi lây lan rộng. Tuy nhiên, người dân không nên hoang mang, điều quan trọng là khi có những triệu chứng về mắt như: đỏ, cộm, xốn,… thì nên đến các cơ sở y tế chuyên về mắt để thăm khám nhằm kịp thời điều trị, ngừa được các biến chứng nặng có thể xảy ra. 

Số lượng bệnh nhân đến Khoa Mắt tăng đột biến trong thời gian qua.

Bệnh ĐMĐ chủ yếu do 2 chủng virus: Enterovirus và Adenoviruso. Bệnh rất dễ bị lây nhiễm qua đường hô hấp, giọt bắn. Adenovirus là nhóm virus có khả năng lây nhiễm cao, tạo thành các đợt dịch đau mắt đỏ trong cộng đồng, tại trường học hoặc tại nhà. Mặc dù bệnh nhân có triệu chứng nhẹ có thể tự khỏi nhưng một số trường hợp có thể gây biến chứng trên giác mạc. Năm nay, dịch ĐMĐ lây lan nhanh mạnh, dễ gây biến chứng viêm giác mạc hơn so với các năm trước.

Triệu chứng phổ biến của bệnh ĐMĐ là đỏ mắt, chảy nước mắt và cộm mắt, có gỉ mắt. Nếu đợi đến sưng nề, người nhiễm có dấu hiệu sợ ánh sáng mới đi khám thì lúc này giác mạc đã tổn thương nặng, rất dễ biến chứng. Vì vậy, các thành viên trong gia đình đều cần tăng cường sức đề kháng bằng chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả, có chế độ sinh hoạt phù hợp để tăng cường sức đề kháng.

“Để phòng ngừa bệnh ĐMĐ, điều đầu tiên cần làm là giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng, không dụi tay bẩn lên mắt. Đặc biệt, khi trong gia đình có người mắc bệnh ĐMĐ thì không được dùng chung khăn, kể các các loại thuốc nhỏ mắt” - Bác sĩ Hoàng Thị Kiều Hậu nói.

Trước mối nguy hiểm, ngành chức năng tích cực khuyến cáo người dân cận trọng nhằm phòng ngừa, hạn chế sự lây lan của bệnh ĐMĐ, cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh ĐMĐ. Đồng thời, người bị nhiễm cần tích cực tiếp nhận điều trị và theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Minh Dân