An Giang: Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông trên đường thủy nội địa

An Giang: Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông trên đường thủy nội địa

14:51 - 31/12/2021

Nhằm đưa hoạt động của cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, đúng quy định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội trên đường thủy nội địa.

Đoàn Kiểm tra liên ngành thực hiện công tác kiểm tra bến thủy nội địa, hộ kinh doanh cá thể

Vừa qua, Đoàn Kiểm tra liên ngành do Phòng Cảnh sát Đường thủy Công an tỉnh An Giang làm Trưởng đoàn phối hợp với các thành viên Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng Quản lý Đô thị cấp thành phố,… tiến hành kiểm tra, xử lý các vi phạm quy định về quản lý, khai thác cảng và bến thủy nội địa trên địa bàn toàn tỉnh.

Thông tin thêm với chúng tôi về nhiệm vụ cụ thể trong công tác kiểm tra, Trung tá Trần Quang Trí, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Đường thủy Công an tỉnh cho biết: Thứ nhất, Đối tượng kiểm tra lần này chúng tôi tập trung vào một là đối tượng cảng, gồm cảng tổng hợp, cảng hàng hóa, cũng như là cảng chuyên dùng. Thứ hai, đối tượng bến bãi, bến thủy nội địa, trong đó có bến tổng hợp, bến khách ngang sông, bến hàng hóa và những bến chuyên dùng. Ngoài ra, chúng tôi cũng tập trung vào các đối tượng như các hộ kinh doanh cá thể, các phương tiện thủy đang lưu thông trên các địa bàn trọng điểm trên địa bàn tỉnh An Giang”.

Thường xuyên nhắc nhở các tổ chức kinh doanh thực hiện đúng các quy định trong hoạt động khai thác cảng và bến thủy nội địa

Với vai trò Trưởng đoàn Đoàn Kiểm tra liên ngành, Phòng Cảnh sát Đường thủy Công an tỉnh đã phối hợp với các thành viên Sở Giao thông vận tải, Chi cục Đăng kiểm An Giang, Cảng vụ các khu vực tại địa bàn tỉnh An Giang, Văn phòng Ban An toàn giao thông và Đội Thanh tra - An toàn số 7 đồng loạt ra quân Kiểm tra hoạt động khai thác cảng và bến thủy nội địa trên địa bàn toàn tỉnh xuyên suốt kể từ ngày 13-12 đến hết ngày 31-12; bắt đầu từ trung tâm thành phố Long Xuyên và kết thúc trên địa bàn huyện Châu Thành.

Thông qua công tác kiểm tra, còn nhằm mục đích tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác cảng, bến thủy nội địa để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Đoàn Kiểm tra liên ngành tuần tra, kiểm tra các phương tiện thủy trên sông

Nhìn chung, công tác kiểm tra cho thấy, phần lớn các cá nhân, tổ chức kinh doanh đều thực hiện đáp ứng các quy định trong hoạt động khai thác cảng và bến thủy nội địa, ý thức chủ động trong phòng chống dịch Covid-19 cũng luôn được nêu cao. Bà Trần Thị Thanh Thúy, ấp Long Hòa, xã Long Giang, huyện Chợ Mới khẳng định: “Cơ sở của chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở nhân viên làm việc tại cơ sở, phải áp dụng các biện pháp 5K như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, rửa tay bằng xà phòng, giữ khoảng cách an toàn và phải khai báo y tế ngay cho y tế địa phương trong trường hợp cần thiết”.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hoạt động của cảng, bến thủy nội địa một số địa bàn từng lúc, từng nơi vẫn còn diễn ra phức tạp, số lượng bến thủy nội địa không có giấy phép hoạt động vẫn chiếm tỷ lệ cao, gây mất trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội trên đường thủy nội địa. Trung tá Trần Quang Trí cung cấp thêm: “Qua kiểm tra, đa phần đối với hoạt động của bến bãi thì chưa có giấy phép hoạt động theo đúng quy định. Các bến khách ngang sông cũng chưa đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, chưa đảm bảo về điều kiện cứu sinh, cứu đắm theo quy định của phương tiện vận tải thủy. Còn đối với các phương tiện vận tải hàng hóa thì việc mắc các lỗi vi phạm về chở quá vạch dấu bấm nước an toàn cũng còn khá phổ biến”.

Tùy theo mức độ, Đoàn Kiểm tra sẽ tiến hành nhắc nhở, lập biên bản các trường hợp vi phạm, cũng như hướng dẫn cá nhân, tổ chức thực hiện bổ sung đúng các thủ tục, giấy phép trong kinh doanh.

Nhiều hộ kinh doanh lợi dụng diện tích bến thủy nội địa để khai thác, kinh doanh không đúng quy định

Hoạt động còn là bước chủ động phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước của các ngành, các cơ quan chức năng, cùng địa phương trong công tác này để từ đó xây dựng hệ thống dữ liệu về cảng, bến thủy nội địa của từng đơn vị, địa phương. Trung tá Trần Quang Trí khuyến cáo: “Trong thời gian tới chúng tôi cũng đề nghị, đối với các cá thể kinh doanh thì phải chấp hành đúng các quy định về bến bãi để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Các phương tiện vận tải cần phải đảm bảo các điều kiện an toàn về kỹ thuật, điều kiện vận hành máy móc cũng như các điều kiện lưu thông để tránh xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông trên tuyến đường thủy”.

Với sự siết chặt, thống nhất, quyết tâm cao của các ban ngành, các cấp trong quản lý, khai thác cảng và bến thủy nội địa. Nhiều giải pháp căn cơ sẽ sớm được áp dụng góp phần đưa các hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân ngày càng đi vào nề nếp, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông trên đường thủy nội địa thời gian tới.

Trần Tuấn - Trang Tầm/giaothongketnoi.opensky