“Xây dựng không gian phố cổ Gia Hội thành tuyến phố thương mại du lịch đặc trưng của thành phố Huế”

“Xây dựng không gian phố cổ Gia Hội thành tuyến phố thương mại du lịch đặc trưng của thành phố Huế”

17:21 - 23/04/2021

Ngày 22/4, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị giao trực tiếp đề tài "Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng không gian phố cổ Gia Hội thành tuyến phố thương mại du lịch đặc trưng của thành phố Huế" do Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì thực hiện.

Mục tiêu của đề tài là xác định được luận cứ khoa học và thực tiễn làm cơ sở phát triển các tuyến phố ven sông trên địa bàn thành phố Huế; Đề xuất định hướng giải pháp cụ thể, khả thi về khai thác du lịch và phát triển dịch vụ khu vực phố cổ Gia Hội; Đề xuất mô hình mẫu phát triển kinh tế vỉa hè và kinh tế đêm; Số hóa 3D tổng thể các di tích kiến trúc có giá trị phố cổ Gia Hội.

 TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội nghị.

Theo báo cáo thuyết minh đề tài, Khu phố cổ Gia Hội chủ yếu tập trung ở phường Phú Cát, Phú Hiệp và Phú Hậu, trong đó phần lớn các công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử chủ yếu nằm trên trục đường Chi Lăng (TP. Huế). Đặc biệt là một số công trình đình, chùa, đền, miếu cổ truyền thống, Hội quán của các thương nhân, gánh hát người Hoa, người Ấn có kiến trúc đặc sắc, mang dấu ấn riêng biệt rất có giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc (một số công trình được công nhận di tích văn hóa).

TS. Đặng Minh Nam – Chủ nhiệm đề tài trình bày tóm tắt thuyết minh của đề tài tại Hội nghị.

Hiện trạng có rất ít công trình được bảo dưỡng thường xuyên, phần lớn các công trình không được duy tu bảo dưỡng, xuống cấp, thậm chí một số công trình không có người trông coi có nguy cơ đổ sập ảnh hưởng đến an toàn công trình và cho người xung quanh. Thiếu không gian lớn tổ chức các hoạt động lễ hội, văn hóa, cộng đồng. Bên cạnh đó, tình trạng nhà ở xây dựng mới hoặc sửa chữa cải tạo có hình thức kiến trúc hiện đại, sử dụng vật liệu mới chưa phù hợp với cảnh quan chung cũng như theo quy định quản lý xây dựng.


Thành phố Kyoto là cố đô của Nhật Bản được hình thành hơn 1200 năm. Ảnh minh họa.

Ngày 03/02/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 297/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu phường Phú Hậu – Phú Hiệp – Phú Cát, tỉnh Thừa Thiên Huế. Với tính chất là khu vực đô thị phía Đông Bắc của thành phố Huế, bao gồm các khu dân cư chỉnh trang kết hợp xây dựng mới với hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kĩ thuật đồng bộ và các khu chức năng bổ sung cho khu vực trung tâm đô thị; là khu vực bảo vệ không gian cảnh quan đô thị, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, phát huy và khai thác các giá trị nhà ở truyền thống, các lợi thế về du lịch của khu vực; là khu vực hình thành không gian cảnh quan cây xanh công viên, không gian sông nước nối liền sông Đông Ba và Sông Hương. 

Như vậy, đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp xây dựng không gian phố cổ Gia Hội thành tuyến phố thương mại du lịch đặc trưng của thành phố Huế” là một hướng nghiên cứu cần thiết để hiện thực hóa các mục tiêu như trên.

Phạm vi nghiên cứu trực tiếp: tuyến phố Chi Lăng từ cầu Gia Hội đến cầu Chợ Dinh (2,3km).

Phạm vi nghiên cứu gián tiếp: ranh giới 2 phường Phú Hiệp - Phú Cát.

Theo TS. Đặng Minh Nam, để làm được việc này cần tiến hành thực hiện các nội dung nghiên cứu, cụ thể: Tổng hợp, phân tích các vấn đề về giá trị lịch sử, văn hóa của khu vực nghiên cứu; Đánh giá các quy hoạch và các dự án liên quan đến khu vực nghiên cứu; Phân tích, khảo sát hiện trạng về kinh tế xã hội, hạ tầng kĩ thuật, môi trường, cảnh quan kiến trúc tại khu vực nghiên cứu; Số hóa 3D tổng thể các công trình di tích lịch sử trong khu vực nghiên cứu; Xây dựng công cụ hỗ trợ truy xuất thông tin phục vụ quản lý khu phố cổ Gia Hội; Định hướng phát triển du lịch, thương mại dịch vụ đặc trưng của khu phố cổ; Xây dựng khung hướng dẫn thiết kế đô thị của khu vực nghiên cứu; Xây dựng Dự thảo quy định quản lý; Thiết kế mô hình mẫu kinh doanh vỉa hè và quy định quản lý và Báo cáo tổng kết đề tài.

Toàn cảnh Hội nghị.

Theo thuyết minh đề tài, tính mới, tính độc đáo, tính sáng tạo là đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị khu phố cổ Gia Hội; Đề xuất giải pháp thí điểm mô hình kinh doanh vỉa hè tạo nét đặc trưng và thu hút du khách; Đưa ra được giải pháp quản lý vận hành thông tin dữ liệu liên quan đến khu phố cổ trên nền GIS; Số hóa tổng thể hệ thống các công trình kiến trúc có giá trị tạo cơ sở cho việc bảo tồn và phát triển không gian đô thị.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các thành viên phản biện và thành viên Hội đồng đã được đưa ra, trong đó tập trung phân biệt rõ phạm vi nghiên cứu. Khi nói đến phố cổ Gia Hội thì được hiểu là khu vực Gia Hội xưa, phố Gia Hội kéo dài từ cầu Gia Hội đến cầu Đông Ba ngày nay.

Ngoài ra, đề tài cần xem xét, làm rõ giá trị chung gồm nhiều gía trị khác nhau như niên đại, lịch sử, lưu niệm kiến trúc, văn hóa, xã hội, kinh tế để chỉnh sửa các nội dung cho phù hợp với mục tiêu và yêu cầu đặt ra, từ đó làm cơ sở khoa học để tiến hành nghiên cứu triển khai các khu vực có tính chất tương đồng như khu phố cổ Bao Vinh; là cơ sở để ban hành các qui định, chính sách về bảo tồn và phát huy giá trị các công trình di tích lịch sử; ban hành các qui định quản lí hoạt động cấp phép xây dựng và các quy định liên quan đảm bảo sự thống nhất của khu vực Gia Hội và các quy định quản lý, hoạt động kinh doanh trên địa bàn, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế cho khu vực.

                                                                                                     Diệu Hà - Đinh Văn