TT-Huế: Hoàn thành và ra mắt ấn phẩm “Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa”

TT-Huế: Hoàn thành và ra mắt ấn phẩm “Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa”

09:52 - 19/03/2021

Ấn phẩm đầu tiên của Đề án Tủ sách Huế - Địa chí Thừa Thiên Huế (Phần Văn hóa) đã được công bố sẽ là “phát súng đầu tiên” khai hỏa cho Tủ sách Huế để quy tụ, đón nhận nhiều ấn phẩm, công trình có giá trị nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa Huế và phát triển văn hóa đọc.

Ngày 17/3, tại Lầu Tàng Thư, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ Công bố Đề án Tủ sách Huế và ra mắt ấn phẩm đầu tiên Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: MP.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ khẳng định: “Việc hình thành Tủ sách Huế không chỉ giúp giới thiệu quảng bá hình ảnh văn hóa Huế trên tất cả các lĩnh vực đến bạn đọc và du khách xa gần, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng với nét riêng độc đáo mang hơi thở văn hóa của vùng đất cố đô, mà còn để xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực sau này, phục vụ công cuộc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị văn hóa, di sản trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.”

Ông Phan Ngọc Thọ trao logo Tủ sách Huế cho đại diện quản lý Tủ sách Huế. Ảnh: MP.

Tủ sách Huế được hình thành với Logo nhận diện riêng, mang tính thương hiệu riêng của Huế không chỉ quảng bá văn hóa Huế mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện con người; đồng thời tôn vinh các tác giả, người đọc và những người tham gia sưu tầm, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách.

Nghi thức ra mắt Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa. Ảnh: MP.

Ấn phẩm đầu tiên của Tủ sách Huế được ra mắt là Địa chí Văn hóa Huế, đây là một công trình đồ sộ, quy mô, tập trung được nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu có tri thức chuyên sâu về các lĩnh vực văn hóa. Công trình gồm 2 tập, với nội dung chính phản ánh nhiều mặt đời sống của xã hội: ẩm thực; trang phục; y dược cổ truyền; phong tục tập quán, lễ tết và nghi lễ tế tự; trò chơi, thú tiêu khiển, thể thao dân gian; tín ngường, tôn giáo; ngôn ngữ; giáo dục; văn học, báo chí-xuất bản; nghệ thuật diễn xướng, tạo hình và nhiếp ảnh, điện ảnh; di tích văn hóa lịch sử và danh thắng, nhân vật văn hóa…

TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Địa chí Thừa Thiên Huế là một công trình quy mô được biên soạn dưới hình thức địa chí tổng hợp, gồm 5 hợp phần: Tự nhiên; Lịch sử; Dân cư-Hành chính; Kinh tế và Văn hóa. Công trình được giao cho Sở KH&CN triển khai dưới dạng nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh. Đến nay, các hợp phần của Bộ Địa chí Thừa Thiên Huế đã lần lượt hoàn thành: Địa chí Thừa Thiên Huế phần Tự nhiên và phần Lịch sử đã xuất bản năm 2005; Phần Dân cư - Hành chính xuất bản năm 2013; Phần Kinh tế xuất bản năm 2014; và Địa chí Thừa Thiên Huế phần Văn hóa xuất bản vào đầu năm 2021.

TS. Hồ Thắng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: MP.

“Việc hoàn thành phần cuối cùng - Phần Văn hóa của Bộ Địa chí Thừa Thiên Huế là một dấu mốc quan trọng, đem đến cho người đọc những kiến thức cơ bản về quá trình hình thành, biến đổi của tự nhiên và xã hội về một vùng đất có lịch sử lâu đời, một trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ, cũng là nơi tiêu biểu cho văn hóa dân tộc, nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần của cả nước. Ấn phẩm Địa chí Văn hóa Huế cũng là tiền đề để tuyển chọn những quyển sách có chất lượng về Huế để tái bản và xuất bản mới, hướng đến một năm có 3 đầu sách được đưa vào Tủ sách Huế”, TS. Hồ Thắng chia sẻ.

Ấn phẩm Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa đã được trưng bày và giới thiệu tại Tàng Thư Lâu.

Mỗi một ấn phẩm, tác phẩm ra đời đến được với công chúng ngoài giá trị cơ bản đã được Hội đồng kiểm duyệt trước khi xuất bản đánh giá, nó vẫn còn nhiều thiếu sót cần được bổ sung, hiệu chỉnh, Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó. Vì vậy, Sở KH&CN rất mong ấn phẩm này sẽ được quý cơ quan, các nhà nghiên cứu, quý độc giả gần xa đón nhận, góp ý với những tình cảm chân thành, trách nhiệm.

Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế hy vọng rằng, ấn phẩm đầu tiên của Tủ sách Huế - công trình Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa đã được công bố trong sự kiện này sẽ là “phát súng đầu tiên” khai hỏa cho Tủ sách Huế để quy tụ, đón nhận nhiều ấn phẩm, công trình có giá trị nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa Huế, phát triển văn hóa đọc. Từ đó, giới thiệu những cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa giáo dục, văn hóa của vùng đất Cố đô.

Tập thể cán bộ, nhân viên Sở KH&CN Thừa Thiên Huế tại Lễ Công bố đề án Tủ sách Huế và ra mắt ấn phẩm Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa tại Tàng Thư Lâu.

Cũng nhân dịp này, lãnh đạo ngành KH&CN địa phương đã ghi nhận và cám ơn sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ sở ban ngành, cơ quan xuất bản, tập thể tác giả và các chuyên gia cùng chung sức, đồng lòng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong đó có sự đóng góp của tập thể và cá nhân ông Nguyễn Văn Tiến - nguyên Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (đơn vị chủ trì nhiệm vụ), Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (chủ biên) - là những thành viên “đầu tàu” của công trình này, các nhà khoa học đã cùng nhau hợp tác, là cầu nối quy tụ các nhà nghiên cứu nổi tiếng, tâm huyết trong và ngoài tỉnh cộng tác, trao đổi, góp ý để hoàn thiện công trình quý giá này.

                                                                                          Thanh Tâm – Đăng Nguyên