Thừa Thiên Huế: Ban hành Đề án “Cố đô Khởi nghiệp”

Thừa Thiên Huế: Ban hành Đề án “Cố đô Khởi nghiệp”

22:50 - 24/09/2020

   Sáng 24/9, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Đề án “Cố đô Khởi nghiệp, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” trong khuôn khổ Diễn đàn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020.

Đề án “Cố đô Khởi nghiệp” nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; góp phần hình thành và phát triển Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia tại Huế. Nâng cao nhận thức về KNĐMST cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn tỉnh. Hình thành phong trào và thúc đẩy tinh thần KNĐMST trong cộng đồng; trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trong thanh niên, lực lượng lao động ở thành thị và nông thôn, học sinh các trường trung học phổ thông, sinh viên, giảng viên, thanh niên,…

Toàn cảnh Diễn đàn “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” Thừa Thiên Huế năm 2020. Ảnh: Lê Phú. 

Tiếp tục góp phần tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và thực hiện hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Thành lập và hỗ trợ mạng lưới câu lạc bộ khởi nghiệp, hỗ trợ không gian chung trên địa bàn. Phát triển Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, kết nối các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư và xây dựng mạng lưới các nhà đầu tư để hỗ trợ khởi nghiệp.

Mục tiêu cụ thể của Đề án sẽ phấn đấu từ 50-70% các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh có khả năng thương mại hóa để trở thành động lực quan trọng xây dựng nền kinh tế sáng tạo của tỉnh. Hằng năm, hỗ trợ ít nhất 01 - 02 nhiệm vụ KH&CN cho doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu KH&CN đã được nghiệm thu. Khởi nghiệp từ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được nghiệm thu (đặc biệt là các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh). Có ít nhất 50% học sinh phổ thông trung học và sinh viên các trường đại học, cao đẳng được đào tạo, tập huấn kiến thức và tư duy về đổi mới sáng tạo. Ít nhất 500 lượt tổ chức, cá nhân KNĐMST được đào tạo, tập huấn trên toàn tỉnh.

Ngoài ra, Đề án tiếp tục tăng cường hoạt động hiệu quả Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, thu hút ít nhất 01 - 02 quỹ đầu tư mạo hiểm đặt văn phòng đại diện tại Huế và phấn đấu đạt 100% UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai Kế hoạch hỗ trợ hoạt động khởi sự kinh doanh và KNĐMST hằng năm.

TS Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, bên cạnh việc ban hành Đề án “Cố đô Khởi nghiệp” đã được UBND tỉnh phê duyệt, Diễn đàn “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” Thừa Thiên Huế năm 2020 còn là dịp để các tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia về khởi nghiệp cùng các cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, trao đổi, hiến kế cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến. Đồng thời, thảo luận, trao đổi các nội dung, giải pháp liên quan đến hỗ trợ các ý tưởng, dự án KNĐMST có tiềm năng phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

TS Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế công bố Đề án "Cố đô Khởi nghiệp".

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã biểu dương những nỗ lực của ngành Khoa học công nghệ, Đại học Huế, Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh, Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Đại học Huế, các tổ chức tư vấn khởi nghiệp, các Startup trên địa bàn tỉnh đã đóng góp để vun đắp thêm những thành công bước đầu của hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, mặc dù trong điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng có nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp phát triển thành sản phẩm đổi mới sáng tạo và được đưa ra thị trường. Nhiều hoạt động, phong trào, nhiều cơ chế và các mô hình đã được triển khai trên địa bàn tỉnh.

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao phong trào khởi nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua. Ảnh: Lê Phú.

Định hướng phát triển hoạt động KNĐMST của tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện tốt Đề án “Cố đô Khởi nghiệp, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, tập trung hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNĐMST, thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng phát triển công nghệ và mô hình kinh doanh mới, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ và tiềm lực của địa phương để khởi sự kinh doanh và KNĐMST. Trên cơ sở xác định chiến lược phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Đề án “Cố đô Khởi nghiệp” sẽ cụ thể hóa bằng các chương trình và hoạt động, hướng vào những hỗ trợ thiết thực nhất cho các ý tưởng và dự án khởi nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó vai trò của các thành phần hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rất quan trọng và quyết định sự thành công của chiến lược phát triển ĐMST của tỉnh.

“Hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp không phải là một việc của riêng một cá nhân, một đơn vị, mà đòi hỏi sự vào cuộc của rất nhiều bên liên quan, đó là các đơn vị làm chính sách, các doanh nghiệp KHCN, các đơn vị cung ứng nguồn nhân lực, các cơ sở nghiên cứu, các đơn vị cung cấp dịch vụ, các chuyên gia cố vấn trong từng lĩnh vực, các đơn vị ươm tạo, các nhà đầu tư.  Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của tất cả các địa phương, tinh thần kết nối của các bên có liên quan là điều cốt lõi để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh và bền vững, hỗ trợ có hiệu quả cho hoạt động khởi nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Trình bày tham luận tại Diễn đàn, TS Cung Trọng Cường – Giám đốc Trung tâm KNĐMST, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh đã nêu một số đề xuất phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Theo ông Cường, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bao gồm tính chưa đồng bộ về sự phối hợp giữa các thành phần trong hệ sinh thái KNĐMST; Thiếu hạ tầng và điều kiện làm việc hỗ trợ cho KNĐMST; Thiếu các dịch vụ hỗ trợ KNĐMST; Vốn đầu tư hạn chế về quy mô và các rào cản về chính sách đầu tư vốn cho KNĐMST; Khó khăn cho các dự án về tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước về hỗ trợ KNĐMST.

TS Cung Trọng Cường – Giám đốc Trung tâm KNĐMST, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh trình bày tham luận tại Diễn đàn.

Nhận thấy những khó khăn và hạn chế đó, Giám đốc Trung tâm KNĐMST tỉnh đã đưa ra những giải pháp phát triển hệ sinh thái KNĐMST đối với địa phương, trong đó chú trọng xây dựng chính sách tốt và phù hợp với chiến lược phát triển tỉnh (trong đó có Đề án “Cô đô Khởi nghiệp” đã được phê duyệt); Thành lập Ban chỉ đạo cấp Tỉnh với sự tham gia của các thành phần của hệ sinh thái, quản lý hiệu quả và thực sự thúc đẩy hệ sinh thái phát triển; Hỗ trợ xây dựng các thành phần của hệ sinh thái, chú trọng vào các trụ cột hiện nay Thừa Thiên Huế đang yếu và thiếu; Xây dựng và phát triển mạng lưới kết nối bên ngoài (quốc tế), đây là yếu tố quan trọng để phát triển.

Ông Cường cũng nhấn mạnh, nền tảng giáo dục phổ thông rất quan trọng trong chiến lược phát triển Đổi mới sáng tạo giai đoạn 10-20 năm đến. Xây dựng và chuyển giao chương trình giáo dục sáng tạo vào trường phổ thông, tập trung phát triển tư duy sáng tạo, năng lực hội nhập (kỹ năng/ngoại ngữ) và văn hóa lịch sử, tư tưởng tiến bộ.

                                                                                                                                     Đinh Văn