Các công trình thủy lợi, thủy điện và công trình di sản văn hóa Huế đảm bảo an toàn trong động đất

Các công trình thủy lợi, thủy điện và công trình di sản văn hóa Huế đảm bảo an toàn trong động đất

22:32 - 13/01/2021

Đó là một trong những kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu - Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam về đánh giá độ nguy hiểm động đất phục vụ quy hoạch phát triển vùng lãnh thổ, đảm bảo an toàn công trình thủy điện, thủy lợi và di tích văn hóa tại tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Ngày 12/01, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị Nghiệm thu cấp cơ sở đề tài KHCN cấp Quốc gia “Nghiên cứu đánh giá độ nguy hiểm động đất phục vụ quy hoạch phát triển vùng lãnh thổ, đảm bảo an toàn công trình thủy điện, thủy lợi và di tích văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế” do Viện Vật lý Địa cầu – Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam chủ trì thực hiện trong 36 tháng (từ tháng 12/2016 đến tháng 12/2019). Tham dự hội nghị có TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội đồng, các thành viên trong hội đồng và đại diện Viện Vật lý Địa cầu.

Toàn cảnh Hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, TS. Nguyễn Ánh Dương – Chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt và bắt đầu thực hiện từ năm 2016. Theo đó, mục tiêu của đề tài là làm sáng tỏ đặc trưng hoạt động động đất tỉnh Thừa Thiên Huế, trọng tâm là khu vực các hồ chứa; Đánh giá chi tiết độ nguy hiểm động đất khu vực thành phố Huế; Đề xuất các giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại phục vụ quy hoạch đảm bảo an toàn công trình hồ đập và công trình di tích văn hóa.

TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch hội đồng phát biểu tại hội nghị

Kết quả báo cáo của đề tài nêu rõ, động đất tự nhiên mạnh nhất đã quan sát thấy tại tỉnh Thừa Thiên Huế có độ lớn cỡ 0,5. Theo dự báo của nhóm nghiên cứu thì động đất tối đa không vượt quá Mmax = 5,9 ± 0,2. Gia tốc dao động nền cực đại trong toàn tỉnh và thành phố Huế không vượt quá cấp VIII theo thang MSK-64. Dự báo động đất kích thích chỉ xuất hiện tại hạ lưu hồ thủy điện A Lưới và phân bố xung quanh đoạn phía Tây của đứt gãy Nam Ô – Nam Đông và đứt gãy Sông Bồ với độ lớn không quá M = 4,5. Khả năng xảy ra động đất kích thích tại các hồ thủy điện khác và các đứt gãy khác trong khu vực là thấp.

Vị trí chấn tâm trận động đất 2,5 độ Richter lúc 20g34 ngày 21/12/2015, cũng là trận động đất thứ 3 trong ngày này tại huyện A Lưới - Ảnh: Viện Vật lý Địa cầu 

Các khu vực tuyến đập và nhà máy của công trình thủy điện – thủy lợi chính của tỉnh Thừa Thiên Huế (Bình Điền, A Lưới, Hương Điền và Tả Trạch) nằm trong phạm vi ảnh hưởng của các đứt gãy hoạt động không mạnh. Gia tốc dao động nền cực đại tại các vị trí công trình này không vượt quá cấp VIII (MSK-64), không vượt quá gia tốc kháng chấn nên thủy điện Bình Điền, A Lưới, Hương Điền và Tả Trạch sẽ an toàn khi động đất mạnh xảy ra.

Cũng theo TS. Nguyễn Ánh Dương, thành thời Nguyễn giai đoạn vua Gia Long và Minh Mạng đều xây theo kiểu kiến trúc Vauban, thường có hình vuông. Một số thành khác có dạng hình lục giác, bán nguyệt hoặc hình tròn. Bề dày của tường lớn (40-60cm) được xây dựng bằng gạch vồ. Đối với các loại tường thành này chịu tải động đất rất tốt, có thể bền vững với chấn động cấp VIII-IX (cấp cực đoan được đánh giá cho Cố đô Huế là cấp VIII).

TS. Nguyễn Ánh Dương, chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tội Hội nghị.

 Hệ kết cấu gỗ các công trình văn hóa nhà Nguyễn có dạng trùng thiềm điệp ốc, Mái đơn-thương thu hạ thách, Lâu các và Môn lâu; Tường bằng gỗ. Dạng kiến trúc kiểu này rất bền vững trong động đất, không bị phá hủy với chấn động cấp VIII-IX. Tuy nhiên, tường bằng gạch (tường nhà hoặc tường xây tại các lăng tẩm) ít bền vững trong động đất. Nếu là tường đôi sẽ bị nứt nẻ trong chấn động cấp VIII song còn khắc phục được (mức độ được đánh giá cho nội đô Huế). Đối với tường đơn thì bị phá hủy với chấn động cấp VIII là rất lớn và có thể sẽ phải xây lại, và đặc biệt cần gia cố thêm chuẩn bị cho tình huống động đất mạnh nhất xảy ra.

Qua kết quả nghiên cứu, các chuyên gia cũng kiến nghị cần thiết phải tiến hành nghiên cứu động đất kích thích hồ chưa lớn như hồ thủy điện. Việc thiết lập một mạng trạm địa chấn cố định xung quanh khu vực hồ chưa là cần thiết. Mạng tràm này tối thiểu là 3 trạm, trung bình là 5 hoặc có thể lớn hơn tùy vào điều kiện thực tế và được bố trí sao cho theo dõi được đầy đủ các động đất từ 1,0 trở lên. Thời gian hoạt động của mạng trạm này là phải trước lúc xây dựng đập từ 3 đến 5 năm và hoạt động liên tục, lâu dài kể cả khi hồ chứa hoạt động hàng chục năm sau này. Ngoài ra, xây dựng và lắp đặt ngay hệ thống trạm quan sát động đất địa phương tại các hồ thủy điện đang hoạt động và năm trong vùng có nguy cơ cao về động đất.

Mặc dù kết cấu của các công trình di sản văn hóa cố đô Huế có thể chịu tải trọng động đất lên đến cấp VIII, nhưng theo thời gian sức bền của vật liệu giảm, cần phải thường xuyên kiểm tra đánh giá thực trạng của các công trình này và có những gia cố, thay thể vật liệu hợp lý để các công trình này mãi trường tồn với thời gian.

                                                                                                                                        Đinh Văn