Cần Thơ: Phấn đấu triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới

Cần Thơ: Phấn đấu triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới

21:45 - 11/11/2021

Ngày 11-11-2021, Ban chỉ đạo (BCĐ) triển khai thực hiện chương trình Sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới TP Cần Thơ tổ chức hội nghị trực tuyến,  đánh giá việc triển khai chương trình trên địa bàn thành phố.

Nhìn chung, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (còn gọi là Chương trình Giáo dục phổ thông 2018), đã đạt một số kết quả: Mạng lưới trường lớp ngày càng được phân bố phù hợp, tỉ lệ trường, lớp về cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới; 100% học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 được bố trí học tập 2 buổi/ngày. Các địa phương chỉ đạo cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức rà soát các thiết bị dạy học hiện có để sử dụng hiệu quả; UBND quận, huyện  xây dựng kế hoạch mua sắm, cung ứng thiết bị tối thiểu lớp 1, lớp 2 và lớp 6.

Đội ngũ giáo viên (GV) được phân công giảng dạy lớp 1, lớp 2 và lớp 6 có trình độ  đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019, tất cả GV tại các cơ sở giáo dục đều được bồi dưỡng, tập huấn trước thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, SGK đối với từng lớp học, cấp học. Năm học 2020-2021, các cơ sở giáo dục đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh (HS) các khối lớp đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định. Trong đó, học sinh lớp 1 có một số mặt nổi trội hơn các lứa học sinh đã học Chương trình GDPT 2006.

Sự phối hợp tích cực của các cơ quan truyền thông đã giúp cộng đồng hiểu và quan tâm hỗ trợ, tham gia giám sát nhà trường thực hiện công tác lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật và hiệu quả.  Công tác phối hợp giữa các sở ban ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện, khá tốt và đồng bộ trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Long, Trưởng phòng GD Tiểu học – Sở GD-ĐT TP Cần Thơ: Quá trình triển khai vẫn còn những hạn chế, như: Kế hoạch trang bị thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 tại một số địa phương triển khai còn chậm tiến độ; việc bổ sung máy vi tính phục vụ dạy học môn Tin học tại các trường còn hạn chế; ảnh hưởng một phần đến chất lượng dạy học và giáo dục HS theo mục tiêu chương trình GDPT 2018.  Đội ngũ GV các cấp học ở một vài đơn vị tuy đảm bảo quy định về GV trên lớp (giáo dục tiểu học mới đạt bình quân 1,4) nhưng tình trạng thiếu, thừa cục bộ còn xảy ra, gây khó khăn trong phân công giảng dạy, nhất là thời điểm đầu mỗi năm học. Việc thiếu GV dạy môn Tin học dẫn đến tỷ lệ HS được học môn học tự chọn này trên địa bàn TP Cần Thơ  năm học qua còn thấp, ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị dạy học Tin học bắt buộc cho những năm học sau.

Công tác chỉ đạo, thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy-học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS vẫn còn một số mặt hạn chế: Lãnh đạo một số cơ sở giáo dục chưa quyết liệt tập trung chỉ đạo đổi mới. Một bộ phận GV còn ngại khó, chỉ đổi mới hình thức tổ chức dạy học chưa đổi mới phương pháp, chưa bắt kịp yêu cầu về đổi mới chương trình, phương pháp giáo dục.

TS. Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, trình bày huyện phương hướng tới

Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết hướng tới: Để đảm bảo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, thường trực Ban chỉ đạo- Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, sẽ phối hợp với các Sở ban ngành, UBND quận, huyện tham mưu UBND thành phố rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo và chủ động điều chỉnh kế hoạch thực hiện CTGDPT mới trên địa bàn thành phố phù hợp thực tế. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Một tiết dạy theo CTGDPT mới tại lớp 1, trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều

Tham mưu UBND thành phố tổ chức lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 3, lớp 7, lớp 10 theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26-8-2020 của Bộ GD&ĐT. Tham mưu hồ sơ trình UBND thành phố đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt tài liệu nội dung giáo dục địa phương lớp 2, lớp 6.

Tiếp tục tổ chức biên soạn, thẩm định hoàn thiện tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Phối hợp Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan  rà soát, đánh giá thực trạng, nhu cầu giáo viên ở từng môn học, cấp học. Tham mưu xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên, nhân viên trường học đảm bảo thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo lộ trình và kế hoạch của Bộ GD-ĐT.

Tiếp tục rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các cơ sở giáo dục phổ thông, hướng dẫn các cơ sở sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có. Theo dõi, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện CTGDPT mới. Tổng hợp, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện theo từng quý, năm để điều chỉnh, bổ sung kịp thời các giải pháp cho các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

Hội nghị

Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan xây dựng dự toán kinh phí từng năm để thực hiện Kế hoạch “Đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017-2025”.

UBND các quận, huyện chuẩn bị các điều kiện triển khai CTGDPT mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Đặc biệt là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ dự kiến được phân công dạy lớp 3, lớp 7, lớp 10, năm học 2022-2023. Quan tâm giáo viên dạy các môn học bắt buộc (giáo viên Tin học, Ngoại ngữ đối với thực hiện chương trình GDPT mới ở lớp 3). Cân đối, bố trí nguồn kinh phí để triển khai tập huấn đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên. Tổ chức đấu thầu và cung ứng đầy đủ, kịp thời các thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1, lớp 2 và lớp 6 cho các cơ sở giáo dục.

Ông Nguyễn Duy Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, trả lời kiến nghị của các quận, huyện

Dịp này, chung quanh kiến nghị của một số quận, huyện về duy trì điểm trường lẻ và tuyển dụng giáo viên trình độ Cao Đẳng cho cấp Tiểu học, ông Nguyễn Duy Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, trả lời “Nếu điểm lẻ có sĩ số HS đông, và việc xóa điểm lẻ khiến HS phải đi quá xa để tới trường, phòng GD-ĐT địa phương làm việc với Sở GD-ĐT. Sau đó Sở Nội Vụ sẽ khảo sát và trình UBND thành phố có ý kiến để xây dựng trường lớp đúng chuẩn. Bên cạnh đó, phòng GD-ĐT quận, huyện  phải chấp hành luật Giáo dục 2019 là chỉ tuyển dụng GV có trình độ đại học”.

Ngành GD Cần Thơ thiếu 154 GV, có những trường không có GV dạy môn Tin học và Ngoại ngữ. Để khắc phục, TS. Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết “Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường ký hợp đồng làm việc  với những GV đã đến tuổi hưu nhưng có năng lực, tâm huyết”. Về việc dạy và học trực tuyến, Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ  Cần Thơ 4.000 máy tính bảng. Ngân hàng Vietcombank tặng 100 máy. Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ tặng 500 máy:  “Chúng tôi sẽ trao số máy tỉnh bảng này cho những HS chưa có thiết bị học trực tuyến. Ngoài ra, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường tổ chức cho HS không có thiết bị, vào học trong phòng máy vi tính của trường, với điều kiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các thầy cô giáo ngoài việc gửi bài giảng, bài tập cho những HS này, còn tập trung những HS ở gần nhau thành nhóm để thầy cô đến trực tiếp dạy cho các em. Cố gắng để những HS này đều  nắm được chuẩn kiến thức, kỹ năng theo quy định” Phó GĐ Sở GD-ĐT TP Cần Thơ  nhấn mạnh.

Phượng Nguyên -  Đan Phượng/Opensky