“Bức tranh Kinh tế Việt Nam & Đồng bằng sông Cửu Long - Dự báo kinh tế quý IV & triển vọng năm 2022”

“Bức tranh Kinh tế Việt Nam & Đồng bằng sông Cửu Long - Dự báo kinh tế quý IV & triển vọng năm 2022”

16:50 - 01/10/2021

Ngày 1-10, Chi nhánh VCCI tại Cần Thơ phối hợp Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức hội nghị trực tuyến “Bức tranh Kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022”.

Hội thảo có sự tham dự của ông Lê Minh Hoan, UVTW Đảng – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), ông Đỗ Tiến Sỹ, UVTW Đảng, Tổng Giám đốc VOV, ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia chính sách công, Trường Chính sách công và Quản lý – Đại học Fulbright Việt Nam; Lãnh đạo các địa phương và các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Những tháng đầu năm 2021 kinh tế Việt Nam bắt đầu khởi sắc sau ảnh hưởng của các đợt bùng phát dịch Covid-19 trong năm 2020. Tuy nhiên đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ cuối tháng 4-2021 với hàng trăm ngàn ca nhiễm do biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, đã tạo nên nguy hiểm trong cả nước, đặc biệt tại các tỉnh, thành vùng trọng điểm phía Nam như TP Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ, vùng ĐBSCL…ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế.

Ông Lê Minh Hoan, UVTW Đảng – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, thông tin tại Hội thảo (chụp qua màn hình)

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III-2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Đặc biệt, 09 tháng đầu năm nay có 90,3 nghìn doanh nghiệp (DN) rút khỏi thị trường (trung bình mỗi tháng có 10.000 DN), tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng ĐBSCL, gần 90% DN tạm ngừng hoạt động. Số DN có thể duy trì hoạt động qua thực hiện “3 tại chỗ” chỉ hoạt động được từ 5 – 10% công suất trong khi chi phí rất cao (quy định phải bình ổn giá, chi phí hỗ trợ người lao động (NLĐ), thực hiện “3 tại chỗ”, nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển…), theo khảo sát của VCCI Cần Thơ. Ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, báo động: “Nền kinh tế của Việt Nam đang sức cùng, lực kiệt. Người dân và DN mất đi sinh kế, chi phí cho y tế tăng trong khi ngân sách Nhà nước và các địa phương co hẹp. Giải cứu nền kinh tế, giải cứu DN đang là yêu cầu cấp bách”.

Tuy nhiên trong bức tranh ảm đạm đó vẫn có những điểm sáng như GDP 09 tháng tăng trưởng dương (1,42%). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-9-2021 đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%. Sự đóng góp của ĐBSCL – trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn của cả nước- trong việc duy trì sự tăng trưởng, là vô cùng lớn.

Đến nay, dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát. Nhiều tỉnh, thành ĐBSCL từng bước nới lỏng giãn cách từ Chỉ thị 16 về Chỉ thị 15, thiết lập ‘vùng xanh” thực hiện trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ quay trở lại làm việc. Tuy nhiên bên cạnh thuận lợi trong lĩnh vực xuất khẩu với các thị trường lớn trên thế giới, nhiều thách thức và bài toán về phục hồi, phát triển kinh tế đặt ra khi các DN phải tăng tốc, chiến đấu trong trạng thái vô cùng yếu ớt sau thời gian “ngủ đông”, với muôn vàn khó khăn như thiếu vốn, thiếu nguồn lao động, nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu của khách hàng thay đổi…Bên cạnh, dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp.

Ông Vũ Tiến Lộc,  Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, đề xuất các biện pháp gỡ khó cho DN

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã đúc kết những cơ hội và thách thức của bối cảnh kinh tế nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng, những chủ trương và động thái hỗ trợ của Chính phủ, và đưa ra lời khuyên cần thiết để các DN chuẩn bị bước vào giai đoạn tái sản xuất. Trong đó,  ông Vũ Tiến Lộc,  Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam,  cho rằng: Trong 3 tháng cuối năm 2021, Việt Nam đứng giữa 2 chọn lựa: “Mở cửa hay là chết”: “Nhưng để mở cửa phải có qui tắc về “sống chung” với Covid-19, Ban chỉ đạo Quốc gia cần ban hành ngay tài liệu hướng dẫn “Thích ứng (hay sống chung) an toàn với Covid-19” để xác lập kịch bản và các khung trong hành xử của các cấp chính quyền, người dân và cộng đồng DN. Đây sẽ là cuốn cẩm nang, là bộ Luật, là công cụ quan trọng để chúng ta có thể chủ động và kiên định sống chung an toàn với dịch bệnh, tránh lúc “đóng” lúc “mở”, lúc “siết” lúc “buông”, trên nói một đằng, dưới làm một nẻo, tỉnh A thông đường tỉnh B rào chặn; quận, huyện báo DN được vận  hành; xã, phường bảo NLĐ “ở đâu yên đó”, “ngăn sông cấm chợ” vô lối, làm khó DN, làm khổ dân sinh…Có cẩm nang rồi, địa phương không phải xin phép Trung ương, DN và người dân không phải chờ phê duyệt của chính quyền. DN có thể chủ động các phương án dự phòng để duy trì sản xuất, các chủ nhãn hàng quốc tế có thể yên tâm vào khả năng thực hiện hợp đồng của DN Việt Nam. Trong khi chờ đợi Chính phủ phê duyệt và ban hành cuốn cẩm nang này, mỗi địa phương, mỗi DN hãy chuẩn bị kịch bản về kế hoạch sống chung và phục hồi nền kinh tế của riêng mình gắn với đặc điểm, điều kiện của mỗi địa phương, DN…” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Các chuyên gia đều thống nhất: Tăng cường tiêm chủng, mở rộng phạm vi bao phủ vaccine vẫn là giải pháp nền tảng cho việc kiềm chế dịch bệnh. Bên cạnh, Nhà nước cần hỗ trợ thiết thực cho DN thông qua các giải pháp: Mở cửa thị trường. Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính. Thực hiện tốt và mở rộng quy mô các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh (những giải pháp này vừa cứu các DN khó khăn đồng thời thúc đẩy các ngành và DN có tiềm năng phát triển). Triển khai chương trình trợ giúp, nâng cao năng lực cho cộng đồng DN, đặc biệt là các kiến thức và kỹ năng về tái cấu trúc, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tiếp tục thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại đầu tư kết nối lại các chuỗi cung ứng và mở rộng thị trường cho các DN.

Đối với định hướng tái cấu trúc tương lai, trong cơ cấu kinh tế mới, DN dân tộc phải là chủ đạo, DN vừa và nhỏ sẽ lên ngôi. Thị trường nội địa là chỗ đứng, hội nhập phải đa phương.

Các diễn giả trình bày ý kiến (chụp qua màn hình)

Ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia chính sách công, Trường Chính sách công và Quản lý – Đại học Fulbright Việt Nam, bổ sung: Để việc mở cửa kinh tế và DN  hoạt động ổn định, cần tiêm vaccine liều 1 cho NLĐ, công nhân. Nếu chưa thể tiêm hết thì tổ chức xét nghiệm định kỳ đối với nhóm nguy cơ cao. Các DN bố trí không để tiếp xúc trực tiếp giữa các tổ, dây chuyền sản xuất. Ca dương tính xuất hiện ở khâu nào thì chỉ khoanh vùng, xử lý ở khâu đó, không đóng cửa cả DN. Kiểm soát dịch và quản lý rủi ro bằng cách tuân thủ và giám sát thay vì yêu cầu DN phải xin cấp phép. Xóa bỏ các giấy phép đã cấp không còn tác dụng và không thêm giấy phép mới. Thông thoáng hoạt động vận tải, logistics. Chứng nhận người điều khiển xe và lao động logistics tiêm đủ liều vaccine, hoặc kết quả xét nghiệm âm tính trong 72h là tiêu chí an toàn thay cho việc xin cấp phép QR code luồng xanh. Khởi động lại các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án đầu tư  cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ cho ĐBSCL.

Tham gia hội thảo, ông Lê Minh Hoan, UVTW Đảng – Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, thông tin: Bộ đã xây dựng dự án phát triển sản xuất - kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân trên cơ sở là các giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng, trong đó có việc thúc đẩy tăng trưởng xanh (là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên), chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiêp” sang “kinh tế nông nghiệp”, tạo ra giá trị gia tăng cao nhưng lại giảm thiểu chi phí sản xuất, chi phí xã hội và chi phí môi trường. Kinh tế nông nghiệp mới này  kết hợp DN dẫn đầu với DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp. Chú trọng tạo dựng và phát triển đa dạng, bền vững hệ sinh thái.

Đặc biệt là hình thành Hệ sinh thái kinh tế nông thôn bằng cách chú trọng và hỗ trợ các mô hình Hợp tác xã, DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ. Nông nghiệp Việt Nam không chỉ sản xuất nông sản mà phải là nền kinh tế đa dạng. Riêng với ngành chăn nuôi, Bộ NN-PTNT đang hoàn thành dự án phát triển, trong đó xây dựng Trung tâm giống cho chăn nuôi, đặt tại tỉnh Đồng Tháp, và hỗ trợ các DN đầu tư về thức ăn chăn nuôi, góp phần tạo ra giá trị mới cho ngành chăn nuôi của ĐBSCL cũng như cả nước.

 Trần Tuấn – Đan Phượng/Opensky