Bệnh viện TW Huế: Khai trương Trung tâm tư vấn khám, chữa bệnh từ xa

Bệnh viện TW Huế: Khai trương Trung tâm tư vấn khám, chữa bệnh từ xa

15:31 - 03/09/2020

Ngày 01/9, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế đã tổ chức Lễ Khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh (KCB) từ xa (Telehealth) với sự tham gia của đầu cầu chính tại BVTW Huế kết nối trực tuyến với 100 đầu cầu khác là các đơn vị y tế khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Tham dự và chỉ đạo buổi lễ có PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Phó trưởng ban chỉ đạo Đề án Khám, chữa bệnh từ xa - Bộ Y tế; TS.BS. Cao Hưng Thái -  Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế; đồng chí Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; GS.TS. Phạm Như Hiệp - Giám đốc BVTW Huế và đại diện lãnh đạo các cơ quan trong tỉnh cùng tham dự.

Lễ cắt băng khai trương Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa.

Tại buổi lễ, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý KCB - Bộ Y tế đã đánh giá cao công tác KCB tại BVTW Huế, đặc biệt là việc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng chuyển từ Đà Nẵng, Quảng Nam ra.

Ngay sau nghi lễ cắt băng khánh thành là chương trình hội chẩn các ca bệnh khó từ đầu cầu của các Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi và Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh.

Ngay sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm Tư vấn, khám chữa bệnh từ xa ở Huế đã tiến hành hội chẩn cho các ca bệnh khó ở các bệnh viện miền Trung.

Dịp này, các chuyên gia về Tim mạch, Ngoại tiêu hóa, Ung bướu, Nội tiết, Hô hấp… của BVTW Huế đã có mặt tại đầu cầu chính để tham gia thảo luận ca bệnh cùng với các bác sĩ của 5 đầu cầu có ca bệnh báo cáo. Mỗi ca bệnh đều được các bác sĩ điều trị trình bày tóm tắt bệnh án, diễn tiến bệnh, phim chụp CT, MRI, XQ, siêu âm, nội soi, giải phẫu bệnh (nếu có), quá trình đã điều trị.... sau đó tại điểm cầu BVTW Huế các chuyên gia cùng trao đổi thêm thông tin, thảo luận và đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh. Sau phần hội chẩn các ca bệnh khó là phần đào tạo trực tuyến từ đầu cầu BVTW Huế với chủ đề “Giải pháp an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở khám, chữa bệnh”.

Thực hiện Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025” của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến trên có nhiệm vụ hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới thông qua các hình thức hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa; hội chẩn, tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa, đào tạo trực tuyến… dựa trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của y tế tuyến dưới, tạo sự liên thông trong hệ thống y tế, hỗ trợ tạo điều kiện cho việc thực hiện chuyển tuyến đúng về chuyên môn và an toàn người bệnh, giúp người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của bệnh nhân.

Theo GS.TS. Phạm Như Hiệp - Giám đốc BVTW Huế, với vai trò là Bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật, BVTW Huế đã tích cực hỗ trợ phát triển các chuyên ngành Chấn thương, Ung bướu và Tim mạch cho 7 bệnh viện vệ tinh tuyến tỉnh, hỗ trợ tất cả các chuyên ngành cho 3 bệnh viện vệ tinh tuyến huyện; chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ngoài ra, BVTW Huế còn hợp tác, phối hợp đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế trong khu vực. Qua đó, tất cả các chuyên ngành của BVTW Huế đều sẽ tiến hành khám chữa bệnh, hội chẩn từ xa cho các cơ sở y tế tuyến dưới theo đề nghị.

Trong quá trình triển khai đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, BVTW Huế đã gắn kết với việc tư vấn khám, chữa bệnh từ xa với các bác sỹ tuyến dưới bằng nhiều hình thức như qua điện thoại, zalo, viber…; tổ chức đã triển khai đào tạo trực tuyến cho các nhân viên y tế trong khu vực qua phần mềm Zoom, trên fanpage của Bệnh viện vừa đảm bảo được công tác phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo được công tác đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh cho các đơn vị y tế.

GS.TS. Phạm Như Hiệp cũng cho biết, khám chữa bệnh từ xa một trong những nhóm giải pháp quan trọng khi dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới và nguy cơ cao ở Việt Nam. Khám chữa bệnh từ xa cũng góp phần thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới tầm nhìn trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

                                                                                                                                        Đăng Vinh