3 phương án làm cao tốc Cần Thơ – Cà Mau

3 phương án làm cao tốc Cần Thơ – Cà Mau

10:41 - 22/09/2020

Đa số các địa phương đều chọn phương án tuyến theo phương án 2, đi song song tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, tổng chiều dài toàn tuyến 138 km, diện tích giải phóng mặt bằng lớn nhất với 900 ha, tổng mức đầu tư lớn nhất với 61.000 tỉ.

Chiều 21-9, tại TP Cần Thơ, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cùng với UBND các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang và TP Cần Thơ nghe các đơn vị tư vấn, nhà đầu tư báo cáo về phương án chọn hướng tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.

3 phương án làm cao tốc Cần Thơ – Cà Mau - ảnh 1
Bản đồ tổng thể thể hiện vị trí tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo 3 phương án do đơn vị tư vấn trình. Ảnh: NHẪN NAM

Theo đó, đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía nam (Tedi South) trình bày ba phương án hướng tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.

Cụ thể, phương án 1 sẽ tận dụng toàn bộ tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp hiện hữu, tổng chiều dài khoảng 141 km, có 13 nút giao, tổng mức đầu tư khoảng 46.000 tỉ. Ưu điểm của phương án 1 là tổng mức đầu tư thấp nhất, giải phóng mặt bằng (GPMB) ít nhất với 750ha.

Phương án 2, đi song song tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, tổng chiều dài toàn tuyến 138km, diện tích GPMB lớn nhất với 900 ha, tổng mức đầu tư lớn nhất với 61.000 tỉ.

Phương án 3 đi phía bên trái tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, có chiều dài toàn tuyến ngắn nhất, chỉ 125 km, có 11 nút giao, GPMB khoảng 800 ha, tổng mức đầu tư khoảng 57.000 tỉ.

Đơn vị tư vấn kiến nghị chọn phương án 1 vì có mức đầu tư nhỏ nhất và có độ kết nối với các đô thị tốt nhất, tận dụng được tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp cho một hướng của cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.

 

3 phương án làm cao tốc Cần Thơ – Cà Mau - ảnh 2
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật chủ trì cuộc họp bàn phương án tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chiều 21-9. Ảnh: NHẪN NAM

 

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho rằng: “ĐBSCL  là vựa lúa lớn nhất cả nước, làm sao hạn chế tối đa việc thu hồi đất. Do đó, đơn vị tư vấn làm sao tránh được thu hồi đất lúa là tốt nhất”. Đồng thời, ông cũng cho rằng giai đoạn hiện nay ngân sách khó khăn nên làm sao vừa làm được đường vừa có mức đầu tư thấp nhất.

Đơn vị đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả cho biết phương án 1, 2 hấp dẫn nhất vì có khoảng cách đến các đô thị TP Vị Thanh, TP Sóc Trăng, TP Bạc Liêu của các địa phương ở khoảng cách ngắn đều nhất. Phương án 3 thì khoảng cách này với đô thị của hai địa phương là Sóc Trăng và Bạc Liêu lại quá xa.

Do đó, phương án 1, 2 sẽ hấp dẫn phương tiện qua lại, về mặt đầu tư thì dễ hoàn vốn nhất. Nhà đầu tư chọn phương án 2 vì hợp lý theo hình thức đầu tư công – tư hợp tác (PPP).

Theo đó, đoạn đầu tư theo PPP là từ Bạc Liêu đi Cà Mau có chiều dài 46 km, tổng mức đầu tư dự kiến 11.145 tỉ. Nhà đầu tư cho biết, nếu đầu tư PPP hết thì không phù hợp, nên tách ra thành hai dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 3a, đầu tư công với tổng mức đầu tư là 3.445 tỉ; dự án thành phần 3b có tổng mức đầu tư là 7.700 tỉ (vốn BOT 3.850 tỉ, vốn ngân sách Nhà nước 3.850 tỉ, thời gian hoàn vốn 16 năm).

Tại cuộc họp, các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng chọn phương án 2; Hậu Giang chọn phương án 3 vì muốn giữ lại tuyên Quản Lộ - Phụng Hiệp như hiện hữu và làm một tuyến cao tốc hoàn toàn mới. TP Cần Thơ chọn phương án 3 vì có tổng chiều dài ngắn nhất, nhưng nếu có đầu tư theo PPP thì chọn phương án 2…